linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

Tại sao 70% các dự án cải tiến y tế thất bại

Tuần vừa rồi mình có dịp họp với ban giám đốc một chuỗi BV lớn về chiến lược phát triển các gói dịch vụ. Bác Giám Đốc Điều Hành (COO) than phiền là "NVYT ở mỗi BV làm việc theo một cách khác nhau, khó mà tiêu chuẩn hoá để giảm lãng phí. Trong mỗi dự án cải tiến, dù tôi đã đầu tư nhiều cho việc đào tạo NVYT về các phương pháp mới, tôi luôn gặp phải sự kháng cự (resistance) của NVYT - đặc biệt là các bác sĩ chuyên khoa cây đa cây đề."
Các bạn trong CLB đang thực hiện các dự án cải tiến chắc sẽ thấy nhận định này khá quen thuộc. Có những BV đầu tư làm cải tiến hơn 10 năm, từ ISO 9001, rồi sang TQM, và bây giờ là LEAN (Y Tế Tinh Gọn) nhưng vẫn chưa có kết quả như mong muốn.
 
Năm 2012, tổ chức tư vấn hàng đầu thế giới McKinsey đã phỏng vấn và lấy ý kiến CEO và ban lãnh đạo của hơn 2.200 BV và tổ chức y tế ở Mỹ. Kết quả cho thấy 70% các dự án cải tiến đã không thành công so với mục tiêu ban đầu.
 
Có ba loại thất bại:
- KHỞI ĐỘNG THẤT BẠI (failure to launch): NVYT kháng cự chương trình cải tiến từ ngay trong trứng nước
- DUY TRÌ THẤT BẠI (failure to sustain): dự án cải tiến (ví dụ như 5S) chạy được một thời gian nhưng không trở thành thói quen hàng ngày của NVYT, rồi teo tóp qua thời gian do thay đổi nhân sự
- MỞ RỘNG THẤT BẠI (failure to scale): dự án cải tiến thành công trong một nhóm / một khoa nhưng không mở rộng được ra cả BV.
 
Trong thời đại thông tin với các công cụ và giải pháp cải tiến y tế dễ dàng tiếp cận, tại sao tỉ lệ thành công lại thấp như vậy?
 
Trong cuốn sách kinh điển "Lãnh Đạo Trên Tiền Tuyến: làm sao để sống sót qua các hiểm nguy của việc lãnh đạo" (Leadership on the Line: Staying Alive through the Dangers of Leading) Giáo Sư Ronald Heifetz của trường chính sách công Đại Học Harvard nói:
"Thất bại lớn nhất trong việc lãnh đạo là tìm cách giải quyết một THÁCH THỨC THÍCH ỨNG (adaptive challenge) như thể nó là một VẤN ĐỀ KỸ THUẬT (technical problem)." 
 
 
Vấn Đề Kỹ Thuật là những vấn đề dễ nhận diện, có giải pháp rõ ràng và dễ chấp nhận. Chúng có thể được xử lý thông qua các "chỉ đạo" từ người làm quản lý hoặc các chuyên gia. Ví dụ như vấn đề về lối đi cho BN trong BV. Nhà quản lý và chuyên gia có thể chỉ đạo thành lập bảng thông tin và vạch sơn lối đi trên sàn nhà - chỉ cần đầu tư ngân sách và giám sát việc thực hiện là xong. NVYT không cần hiểu hết vấn đề, giải pháp hay thay đổi thói quen làm việc.
 
Nhưng chúng ta biết đa số các vấn đề trong y tế không đơn giản như vậy. Đây là những Thách Thức Thích Ứng không có lời giải dễ dàng (no easy answers) - ví dụ như việc giảm thời gian chờ trong khoa cấp cứu. Nếu một nhà quản lý nếu tiếp cận thách thức này như một vấn đề kỹ thuật, cô ấy sẽ chỉ đạo tăng số lượng nhân viên và quầy khám. Nhưng với ngân sách hạn hẹp, đây không phải là giải pháp bền vững.
 
Việc giải quyết các Thách Thức Thích Ứng đòi hỏi cả đội ngũ NVYT tham gia tìm tòi và thử nghiệm các giải pháp khác nhau. Các nhà quản lý và chuyên gia chỉ có thể tư vấn và hỗ trợ, nhưng không thể chỉ đạo hay làm thay NVYT được.
Tiếp nối theo ví dụ trên, có nhiều phương pháp tái tổ chức qui trình để giảm thời gian chờ ở khoa cấp cứu, ví dụ như:
- Chăm Sóc Nhóm (Team Care Assessment): http://www.cepamerica.com/…/team-care-assessment-process-re…
 
Việc áp dụng những phương pháp này đòi hỏi NVYT thay đổi hành vi và thói quen khi làm việc (từ điều trị cá nhân sang làm việc nhóm, bác sĩ từ vai trò chỉ đạo điều dưỡng sang làm việc ngang hàng).
 
Những thay đổi này khiến NVYT bị chới với, mất đi những gì quen thuộc: vị trí làm việc, tiêu chí trách nhiệm, lương bổng v.v.. Và vì vậy việc họ kháng cự lại các chương trình cải tiến là hoàn toàn dễ hiểu.
 
Như chuyên gia nghiên cứu của McKinsey, Ông van Eetvelde, nói: "hầu hết các dự án cải tiến thất bại là do không thay đổi được thói quen và hành vi của NVYT".
 
Hiểu được sự khác biệt giữa Vấn Đề Kỹ Thuật và Thách Thức Thích Ứng là chúng ta đã đi được nửa đường rồi. Vậy đâu là giải pháp?
 
Đó là chữ E đầu tiên trong #PhươngPháp7E: Staff EMPOWERMENT: giao quyền cho NVYT.
 
 
Chủ đề hôm nay đã khá dài, mình xin hẹn chia sẻ thêm trong bài viết tới.
 
 
 
 
Dimitry Tran
 
Chia sẻ của các Anh Chị trên diễn đàn CLB QLCL-ATNB:
 
Dinh Dung Ngo Hay quá Dimitry Tran. Vấn đề là phải hình thành được văn hoá "chấp nhận thay đổi" trong toàn tồ chức
 
Thong Huynh Mình hay chia sẻ điều này về TẦM NHÌN GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN, có liên quan đến đề tài này. 
Nên có một tầm nhìn phân ra 3 loại vấn đề có bản chất khác nhau và đòi hỏi cách tiếp cận khác nhau: 
1) Vấn đề kỹ thuật (technical problem) --> tuân theo trục giá trị ĐÚNG - SAI --> đòi hỏi tiếp cận kiểu GIẢI THUẬT (algoritth)
2) Vấn đề NAN GIẢI (no easy answers) --> hướng đến giá trị HỢP LÝ, không đúng - không sai, vừa đúng vừa sai --> đòi hỏi tiếp cận kiểu CHẨN THUẬT (heuristic)
3) Vấn đề ĐỊNH MỆNH - --> giá trị BẤT BIẾN --> đòi hỏi tiếp cận kiểu HÒA HỢP (eurhythmic)
Thiết nghĩ, vấn đề phát triển và thay đổi văn hóa tổ chức chắc chắn liên quan nhiều đến tầm nhìn này.
Nhiều điều để bàn luận và chia sẻ lắm.
 
CLB QLCL-ATNB
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team