linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

Có gì tại hội thảo

Chào buổi sáng các anh chị! Tối qua, Em cùng chị bác sĩ cùng phòng, hiện đang công tác tại 1 bệnh viện tại Phú Yên có bàn luận về một số khủng hoảng gần đây của các bệnh viện. Cơ nguyên dẫn đến câu chuyện tối qua có lẽ xuất phát từ “bệnh nghề nghiệp”, những nỗi lo thường trực khi mà các câu chuyện khủng hoảng truyền thông xảy ra “như cơm bữa”.
Trước những hệ lụy đằng sau các cuộc khủng hoảng, các sự cố y khoa, đã có những bác sĩ đang chùn tay vì sợ - sợ khủng hoảng sẽ xảy ra với chính mình. Cuối câu chuyện là mong muốn của chị bác sĩ, làm sao để tự bảo vệ mình trước những nguy cơ khủng hoảng ấy? Sau khi tham sự Hội thảo Khủng hoảng truyền thông sáng 14/07, Em có một số điều tâm đắc muốn cùng chia sẻ với các Anh Chị - có thể cũng đang có những băn khoăn, trăn trở với vấn đề này.
 

 Với góc nhìn của 4 chuyên gia trong lĩnh vực quản trị khủng hoảng truyền thông y tế, hội thảo đã cho chúng ta thấy một bức tranh tổng thể về một nỗi lo sợ thường trực của mỗi một cơ sơ y tế - giải quyết khủng hoảng truyền thông, hạn chế hệ lụy mà nó gây ra. Trên thực tế có không ít trường hợp khủng hoảng xảy ra và ngày càng trầm trọng vì cơ sở y tế không biết cách xử lý, không nắm rõ quy trình. Đặc biệt trong y tế, các chuyên gia nhấn mạnh, việc xử lý khủng hoảng phải hướng đến việc “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, còn khi sự cố đã xảy ra thì cần có sự giải quyết đúng đắn, hướng đến sự nhân văn. Thật đáng tiếc nếu như đã có cơ sở y tế nào đó bỏ qua yếu tố cốt lõi này, tự mình khiến “chuyện bé xé ra to” trong khi hoàn toàn có thể xử lý một cách “có tình có lý”.

 

 

 
 
Chúng ta không thể phủ nhận được rằng, trong y tế, sự cố y khoa là điều không ai mong muốn nhưng lại không thể tránh khỏi. Theo Cô Nam Phương, có những yếu tố khách quan và chủ quan dẫn đến sự cố y khoa, nhưng đây chỉ là con số rất nhỏ trong hàng trăm, hàng nghìn ca được điều trị thành công mỗi ngày. Thế nhưng dù chỉ là một chấm đen trên một tờ giấy trắng thì những sự cố y khoa này lại ngày càng gây ra những hệ lụy nghiêm trọng hơn khi mà chúng ta đang sống trong một thời đại bùng nổ thông tin trên internet, bất kỳ một sai sót dù lỗi có thuộc về cơ sở y tế, bác sĩ hay không thì đều được nhanh chóng đưa lên mạng xã hội và đa phần thông tin bị thổi phồng theo hướng tiêu cực đối với bác sĩ, cơ sở y tế nói riêng và cả ngành y tế nói chung. Hệ lụy để lại sau mỗi một khủng hoảng truyền thông là điều khiến mỗi chúng ta đều rất đau lòng. Theo Thầy Tuân, đó là sự chảy máu chất xám trong y tế, thể hiện ở việc bác sĩ chùn tay, chỉ chọn phương pháp điều trị an toàn cho mình, người bệnh phải ra nước ngoài điều trị vì không tin vào bác sĩ, bệnh viện trong nước… Nguy hiểm hơn, người bệnh chọn tin vào “Bác sĩ Google” hoặc các phương pháp dân gian, bỏ lỡ cơ hội được chẩn đoán điều trị đúng, làm bệnh tình trở nên trầm trọng, khó chữa hơn.
 
Chắc hẳn chúng ta đều ấn tượng với hình ảnh người đàn ông dùng miệng phun nước để dập một đám cháy ở slide cuối trong bài giảng của Thầy Danh. Nếu ví khủng hoảng truyền thông là một đám cháy, thì cơ sở y tế cần phải biết phòng cháy hơn chữa cháy, còn khi lỡ cháy rồi thì phải biết cách dập. Các chuyên gia cũng chỉ rõ, đám cháy thì cũng có nhiều cấp độ, nên tùy thuộc vào cấp độ mà cần đưa ra giải pháp dập lửa thích hợp. Muốn làm được điều này, một nhu cầu bức thiết đó là phải thành lập một bộ phận chuyên trách, sẵn sàng ứng phó với khủng hoảng truyền thông. Với kinh nghiệm thực chiến nhiều năm tại BV ĐHYD TPHCM, Cô Nam Phương đã nêu rõ những tiêu chí như xác định đúng loại khủng hoảng, thiện chí giải quyết vấn đề, hạn chế phát ngôn trực tiếp và luôn hành xử nhân văn. Điều này đòi hỏi bộ phận chuyên trách xử lý khủng hoảng truyền thông cần biết trước, trong, sau khủng hoảng cần phải làm gì và phải hướng đến việc làm sao để khủng hoảng khó mà xảy ra trong cơ sở y tế của mình.
 
 
 
 
Trước những nguy cơ gia tăng khủng hoảng truyền thông trong y tế như hiện nay, thật xúc động khi bên cạnh các chuyên gia và học viên, hội thảo còn có sự tham gia chia sẻ của cả các bác sĩ và nhà báo tâm huyết với việc cải tiến chất lượng y tế nói chung và quản trị khủng hoảng truyền thông y tế nói riêng. Những chia sẻ ở cuối buổi hội thảo của các khách mời đã cho thấy, câu chuyện quản trị khủng hoảng truyền thông không phải của riêng ai mà là của tất cả chúng ta như điều Cô Ngọc Linh đã nhận định. Đó là câu chuyện về nghề, về những trăn trở làm sao để mỗi một lãnh đạo, bác sĩ, nhân viên y tế phải có chuyên môn và kiến thức pháp lý để tự bảo vệ mình trước những nguy cơ khủng hoảng, đồng thời là nhu cầu cần thành lập Hội đồng y khoa chuyên môn hay Bảo hiểm rủi ro y khoa cho bác sĩ, nhân viên y tế để hạn chế tối đa những hệ lụy mà khủng hoảng gây ra.
 
 
 
 
Có lẽ sau hội thảo, ai trong chúng ta cũng phải thừa nhận rằng còn rất nhiều điều chúng ta phải biết, phải học và làm cho cơ sở y tế của mình, không riêng gì câu chuyện quản lý khủng hoảng truyền thông, mà còn là câu chuyện lớn về cải tiến chất lượng, làm sao để có nội lực tốt, quy trình tốt, giải quyết triệt để những sai sót – những nguy cơ tiềm ẩn của khủng hoảng truyền thông. Cao hơn, làm sao để thấy được những tác dụng tích cực trong những cuộc khủng hoảng, tận dụng cơ hội đó để quảng bá thương hiệu của bệnh viện… Quả thực, càng tìm hiểu chúng ta lại càng thấy rằng phải học nhiều hơn. Hẹn các Anh Chị tại 2 ngày tập huấn (27, 28/07), để cùng được hướng dẫn chi tiết hơn, được cầm tay chỉ việc để học thật làm thật nhé!
 
Chúc các Anh Chị ngày mới tốt lành!
 
Lã Thùy Dung
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team