linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

Viết đúng trước khi viết hay!

Bạn Lã Thùy Dung là một trong những hạt giống đầu tiên nhận HỌC BỔNG CHIR (#học_bổng_CHIR), lớp tập huấn chuyên đề Marketing - Truyền thông Y Tế.

 Đọc bài viết rất dài của bạn về những điều bạn góp nhặt được sau khi tham gia lớp học, Tôi luôn dừng lại ở đoạn “Viết đúng trước khi viết hay” !! Thực sự đây là điều mà Tôi mong Bệnh viện nào cũng làm được, Anh Em làm truyền thông cho Bệnh viện nào cũng lưu ý giúp. Ngày mai Tôi sẽ sẽ chia sẻ, xoáy sâu hơn lý do tại sao tôi luôn mong ước như thế.

 
Mời cả nhà cùng đọc qua một đoạn trong bài viết của bạn Dung - một bạn sinh viên sắp ra trường - sẽ về làm cho bộ phận TT - MKT của một bệnh viện nhé. Đọc và cùng cho ý kiến, thảo luận để giúp bạn Dung nhiều hơn và giúp cho nhiều Anh Em y tế, giúp cho chính mình nữa nhé.
 
“VIẾT ĐÚNG TRƯỚC KHI VIẾT HAY!
 
Chia sẻ về vấn đề viết trong truyền thông y tế, Giảng viên khẳng định nên “Tập trung viết đúng, đừng ép mình viết hay”, “Viết để truyền đạt thông tin, chứ không phải câu chữ”. Viết đúng là cách để chúng ta thuyết phục khách hàng sử dụng dịch vụ của mình. Người viết cần hiểu rõ dịch vụ y tế của mình để viết đúng về dịch vụ, hiểu rõ đối tượng khách hàng mục tiêu để viết đúng những gì liên quan đến họ và hiểu rõ đối thủ cạnh tranh để viết đúng điểm mạnh của cơ sở mình, thay vì “viết nhầm” vào điểm mạnh của đối thủ.
Điều mà nhiều cơ sở y tế băn khoăn là những chủ đề nào cần khai thác trong truyền thông y tế. Tại chuyên đề 2, các học viên đã được Giảng viên chia sẻ 3 hướng khai thác nội dung chính cho truyền thông y tế bao gồm: truyền thông giáo dục sức khỏe cộng đồng, thời sự y tế và những ca đặc biệt.
 
Thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, người dân thường có thói quen hễ có vấn đề về sức khỏe thì thường tìm đến “Bác sĩ Google”, dẫn đến nhiều hệ lụy cho sức khỏe, nhiều trường hợp thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Đây chính là “mảnh đất màu mỡ” cho các cơ sở y tế để chủ động cung cấp kiến thức giáo dục y tế cho cộng đồng, cũng là cách để cơ sở y tế PR cho dịch vụ, cho thế mạnh của mình.
 
Cơ sở y tế có những chuyên khoa nào thì cần xây dựng kế hoạch truyền thông liên quan đến các chủ đề thuộc chuyên khoa của mình. Từ những chủ đề đó, các bài viết có thể khai thác những vấn đề mà người dân quan tâm, giải đáp những câu hỏi thường gặp… Điều đặc biệt của truyền thông y tế là những kiến thức y khoa được cập nhật thường xuyên, luôn có những vấn đề mới để khai thác, những ca hay, kỹ thuật mới… đòi hỏi người làm nội dung không nên ngồi một chỗ mà phải xâu xát với thực tế, đặt mình vào vị trí của người bệnh để chủ động cung cấp những thông tin mà người bệnh quan tâm hoặc còn nhiều vướng mắc.
 
Nắm bắt được thời sự y tế, phát hiện những trào lưu chữa bệnh nguy hiểm từ đó đưa ra thông tin cảnh báo người dân cũng là cách để cơ sở y tế tăng tần suất xuất hiện trên báo chí, đóng góp tiếng nói của mình trong việc giáo dục sức khỏe cho cộng đồng. Chẳng hạn với trào lưu tiêm truyền trắng da, nếu cơ sở y tế mình đã tiếp nhận những bệnh nhân bị sốc phản vệ khi thực hiện phương pháp này thì nên chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, chủ động phát ngôn để cảnh báo người dân, đồng thời cho thấy chuyên môn của cơ sở mình trong việc xử lý những ca bệnh đó.
 
Tuy nhiên Giảng viên cũng chia sẻ, việc theo thời sự y tế cũng đặt ra nhiều thách thức vì thời sự đòi hỏi tính nhanh chóng. Vì vậy, cần xây dựng quy trình truyền thông đơn giản để việc đưa thông tin được kịp thời, đúng lúc.
 
Với kinh nghiệm “thực chiến” tại Bệnh viện ĐHYD, các quy trình làm việc với phóng viên, đăng tải thông tin trên hệ thống truyền thông của bệnh viện, cách tổ chức sự kiện, kết nối nguồn lực hỗ trợ người bệnh khó khăn cũng được ThS Đỗ Thị Nam Phương chia sẻ, giải đáp những vướng mắc của học viên.
 
Với hơn 3.000 tin bài truyền thông trên báo chí mỗi năm tại Bệnh viện ĐHYD, ThS Đỗ Thị Nam Phương nhấn mạnh, điều quan trọng để truyền thông ra bên ngoài hiệu quả đó là cần phải chủ động cung cấp những thông tin báo chí cần, sử dụng thông cáo báo chí một cách khéo léo. Trong chuyên đề 2, học viên cũng được “cầm tay chỉ việc” cách viết thông cáo báo chí một cách chuẩn mực, thu hút để các cơ quan báo đài có thể “tình nguyện” đưa tin cho cơ sở y tế của mình...”
 
Mong nhìn thấy được nhiều hạt giống đi qua chương trình hỗ trợ này của CHIR - Trung Tâm Nghiên Cứu Cải Tiến Y Tế. Cho đi để nhận lại nhiều hơn 
 
Ths.Bs. Phan Thị Ngọc Linh
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team