linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

Kỹ năng lâm sàng và kỹ năng giao tiếp trong y khoa

Mấy ngày nay, việc bà mẹ đánh bác sĩ tại bệnh viện Tân Phú là một chủ đề được nhiều người đưa ra bàn cãi. Cộng đồng y khoa nổi song, vì sự việc như giọt nước tràn ly về “bạo hành y tế” với nhiều sự kiện liên tiếp diễn ra ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh mạng nhân viên y tế. Rất nhiều người nổi giận về trường hợp này: người không làm y tế thì bênh bà mẹ, người làm y tế thì bênh cô bác sĩ. Riêng tôi, tôi thấy đây không phải là một ca “bạo hành y tế thật sự”. Riệng tôi, tôi bênh cả hai, và tôi thấy tội nghiệp cho cả hai.

 Nếu xâu chuỗi tất cả những sự kiện xảy ra trong trường hợp này, vấn đề nổi bật lên, và cũng là nguyên nhân của hành vi của bà mẹ, đó chính là mối quan tâm, lo sợ nhất của bà mẹ này không được “nghe thấy và hỗ trợ”. Bà biết con bị sốt cao co giật từ trước, vào bệnh viện khi bé sốt cao vì sợ bé co giật lần nữa, đó là nỗi lo sợ nhất của bà, càng chờ đợi lại càng lo lắng. Khi phải thuyên chuyển từ nơi này đến nơi khác, người mẹ chắc cảm thấy rất bất an, rất bất lực, và rất không được tôn trọng, và đến một thời điểm nào đó chuyển thành hành vi đánh người bác sĩ không may có mặt! Dĩ nhiên hành vi đánh người là một hành vi sai, nhưng nó cũng phản ánh cho thấy bà mẹ này đã bị ức chế thế nào trong suốt thời gian bồng đứa con đi qua đi lại và “bị đì” bởi những thủ tục và không được có lời giải thích rõ rang. Cộng đồng y tế rõ rang không ưng, nhưng phải nói rất may, trong trường hợp này, đứa bé đã không bị co giật. Nếu có, thay vì là một ví dụ về “bạo hành y tế” mà nhiều bác sĩ, điều dưỡng đang bức xúc, trường hợp này sẽ trở thành một ví dụ kinh điển cho dân chúng truyền miệng về sự tắc trách và lãnh đạm của ngành y tế Việt Nam. 

 
Chúng ta nói về Medical service – dịch vụ y khoa, và Client – khách hàng, và khi đồng ý không là mẹ hiền của bệnh nhân, chúng ta hãy nghiêm chỉnh định nghĩa và xem xét lại dịch vụ y khoa mà chúng ta đang cung cấp cho những khách hàng “hay than vãn”. Dịch vụ y khoa thật sự là một dịch vụ rất nhạy cảm và nhiều nguy cơ, vì khách hàng và người nhà của họ chỉ đến khi họ trong trạng thái dễ bị tổn thương nhất: đau đớn, mệt mỏi, suy kiệt, và stress. Vì tình trạng này, khả năng để giữ bình tĩnh, lịch sự, và khách quan, và ngay cả khả năng chờ đợi, ghi nhớ, nắm giữ thông tin bị đẩy xuống ở mức thấp nhất. Tình hình thật sự hiện nay, thật sự tôi phải đắng long thừa nhận, nhất là khi phải ở vị trí bệnh nhân và ngay cả khi vào một số bệnh viện tư, là vẫn còn thái độ rất xin-cho, không tôn trọng “khách hàng”, và nổi cộm lên là một lỗ hổng rất lớn về giao tiếp. Người bệnh khi phải đến tìm một dịch vụ y khoa, họ y vọng được trấn an, rằng họ đã đến đúng nơi cần đến, sẽ được hỗ trợ hết mức có thể, để yên tâm đồng ý và hợp tác điều trị. Nếu xem xét tất cả ý kiến được đưa ra, không khó để nhận ra cảm giác không an toàn, bị ép buộc, và phải ngầm bảo vệ bản thân của người dân khi tham gia dịch vụ y tế. Dĩ nhiên, những ý kiến này không phản ánh tất cả những khách hàng, nhưng khi quá nhiều “khách hàng” có cùng một phàn nàn như nhau, “dịch vụ” nên tự tiếp thu và sữa chữa. 
 
Hiện trạng này xảy ra, thiển nghĩ, là do trong quá trình đào tạo y khoa, kỹ năng giao tiếp và giải thích bệnh cho “khách hàng” không được đề cao và chú trọng. Trong đào tạo cũng như thực hành hiện nay, chúng ta vẫn còn quá thiên về disease-center approach (tiếp cận tập trung vào bệnh tật), thay vì whole-person approach (tiếp cận tập trung vào toàn thể con người – trong đó bao gồm tâm lý, hoàn cảnh gia đình, xã hội của người bệnh). Chúng ta có thể đưa ra nhiều nguyên nhân để biện minh, như hoàn cảnh không cho phép, không đủ thời gian, quá nhiều bệnh, vvv. Nhưng sự thật phải thừa nhận là điều này là một nhân tố quan trọng làm cho nhân viên y tế chúng ta không đáp ứng được mong muốn của các “khách hàng”, cùng những tiêu cực khác hiện hữu ở một số nhỏ nhân viên y tế, tạo nên sự đánh đồng phản cảm của các “thượng đế” của ngành y. Và chúng ta, trong thời đại hiện nay, phải thật sự nhận ra vấn đề cần phải cải thiện. 
 
Ở đâu cũng vậy, dân số làm ngành y luôn là thành phần chắt lọc của xã hội. Chúng ta có thừa chất xám, thong minh, chịu khó, và rất chịu làm. Nhân văn là một tính không chối cãi, vì đa số chọn ngành y là vị một mục tiêu cao cả. Nhưng gót chân Achilles của chúng ta, mà thật sự chúng ta phải nhận ra và đối mặt, đó chính là chúng ta là con người có một ngành nghề rất đặc biệt, mỗi ngày đều đặt chúng ta vào những hoàn cảnh cực kì đặc biệt, nhạy cảm và không hoan hỉ mà người ngoài cuộc chỉ phải nếm trải một số ít lần trong đời một cách bắt buộc: sinh ly, tử biệt, mất mát, thương vong…Những kiến thức y khoa có thể quen thuộc với chúng ta, lại là một ngôn ngữ khó hiểu đối với “khách hàng”. Cách ứng đáp nào là phù hợp, hành động nào là hợp lý trong từng trường hợp, cách giải thích bệnh tình, tiến triển của bệnh như thế nào để có thể trở nên dễ hiểu và phù hợp cho những “khách hàng” của chúng ta – đó là những kỹ năng và nghệ thuật cần phải được trau dồi, chứ không thể có một sớm một chiều qua một bản cam kết giản đơn. Bộ môn kỹ năng lâm sàng và giao tiếp y khoa, đã được đưa vào từ lâu ở các nước phát triển, hy vọng sẽ được xem trọng và đưa vào đào tạo y khoa Việt Nam một cách chính qui và nghiêm túc.
 
Bs. Huyên Thảo.
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team