linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

CÔNG NGHỆ HỖ TRỢ GIẢM CHỜ ĐỢI TẠI BỆNH VIỆN

Chờ đợi tại bệnh viện luôn là một vấn đề nóng và nan giải. Ngay cả ở Nhật dù là khám có đặt hẹn thì đến vẫn phải chờ là chuyện rất bình thường.

 Người bệnh phải:

 
   - Chờ lấy số thứ tự
   - Chờ lấy máu
   - Chờ kết quả
   - Chờ đến lượt khám
   - Chờ thanh toán
 
Ngoài ra có những trường hợp bắt buộc phải chờ để có kết quả (xét nghiệm máu, chụp chiếu) có đủ mới gặp được bác sĩ. Trường hợp đó ngay cả Bs cũng phải chờ số liệu mới có đủ dữ liệu thăm khám giải thích được, đặc biệt là các “kiểu chờ”:
 
   - Chờ để có kết quả xét nghiệm máu, nước tiểu
 
   - Chờ để có hội chẩn cho ra báo cáo chẩn đoán hình ảnh (thông thường ở Nhật bác sĩ chẩn đoán hình ảnh đọc hình ảnh, viết báo cáo và truyền thông tin nội bộ chứ không có đưa tờ giấy report trực tiếp cho người bệnh trước khi bác sĩ giải thích). Các bệnh viện nhỏ sẽ sử dụng dịch vụ đọc kết quả (X-quang, CT, MRI…) từ xa, giúp giảm bớt khoảng cách chênh lệch chất lượng chẩn đoán (điều này đã thực hiện từ gần 20 năm).
 
   - Thanh toán là một trong những nơi phải chờ đợi khá lâu, theo thực tế phần này cần được cải thiện và sớm cải thiện được. BV lớn ở Nhật chưa thông suốt hệ thống tính tự động thì ở thời điểm hiện tại chỉ từ khi lấy số nộp hồ sơ bệnh án đến khi thanh toán xong 2 tiếng có dư. Để khỏi chờ chỉ cần làm thủ tục thanh toán qua thẻ tín dụng thì khám xong có thể ra về nhưng nhiều người già vẫn chưa có thói quen trả tiền qua thẻ.
 
Để giảm bớt việc phải chờ đợi, cảm giác phải chờ mình xin chia sẻ một giải pháp mà BV Nhật áp dụng từ trên 10 năm. Đó là: máy nhắn tin sử dụng tại khoa khám bệnh ngoại trú. Máy được sử dụng ở một số bệnh viện tuyến đầu - nơi rất đông bệnh nhân. Tại bv tuyến đầu quy mô 800 giường thì khoa khám bệnh ngoại trú tiếp nhận khám khoảng gần 2000 nb/ngày nhưng vẫn rất bình yên.
 
Chủ yếu là các bệnh nhân khám có đặt hẹn, lịch chụp chiếu có kế hoạch nhưng cũng phát sinh rất nhiều xét nghiệm cần làm thêm. Sử dụng máy nhắn tin thì người bệnh sẽ cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều. Vì họ dù vẫn phải chờ nhưng không thấp thỏmchờ trong tư thế chủ động, có thể thực hiện thủ tục hành chính trong lúc chờ và giảm chờ đợi. Vậy cách sử dụng máy nhắn tin này như thế nào?
 
Người bệnh tới viện, đưa thẻ khám bệnh vào máy tái khám tự động, máy sẽ tự động sẽ in ra 1 tờ giấy ghi nội dung và lịch trình khám xét nghiệm theo thời gian đã lên lịch từ trước (quy trình này các bv giống nhau), khác ở chỗ máy sẽ tự động cung cấp thêm máy nhắn tin để người bệnh cầm theo trong suốt quá trình khám bệnh, để nhận các thông báo hướng dẫn.
 
     - Máy nhắn tin bắt đầu hoạt động, người bệnh nhận được các tin nhắn ví dụ
  🌱Lên tầng 2, quầy số 8 làm thủ tục.
     - Lấy máu xong có tin nhắn
  🌱Hãy đợi ở trong khuôn viên bệnh viện
     - Gần đến lượt khám trước 1-2 bệnh nhân có tin nhắn
  🌱Hãy vào phòng đợi bên trong của khoa …
     - Tiếp đến thay vì bs gọi tên sẽ có tin nhắn
  🌱Hãy vào phòng khám số 17
     - Ngoài ra có một số tin nhắn như:
  🌱Hãy qua quầy tiếp đón số 2 để xác nhận thông tin bảo hiểm.
       ..................................
 
Các tin nhắn trên tuy chỉ 1 chiều nhưng cũng giúp người bệnh phần nào an tâm, chủ động chọn nơi chờ đợi phù hợp trong bệnh viện, thông báo kịp giúp giảm bớt việc phải chờ cho nb. Mình hay ngồi quán caphe trong viện đọc sách, làm việc và tới lượt sẽ di chuyển …theo hướng dẫn của tin nhắn. Theo dõi chăm sóc sức khỏe thì bắt buộc phải tới viện. Đối với người bệnh phải tới viện thường xuyên hay người mà một năm chỉ tới viện 1-2 lần, thì việc giảm được cảm giác chờ đợi là 1 điều vô cùng thiết thực.
 
Nâng cấp từ máy nhắn tin nên app trên điện thoại thông minh
 
Năm nay “nhờ” COVID mà nhiều bệnh viện thúc đẩy khám online và theo đó cũng giúp thúc đẩy hoạt động sử dụng app cài trên các điện thoại thông minh trong y tế. Tại các bv sử dụng máy nhắn tin mình kể trên cũng đã được nâng cấp chuyển dần qua app. Họ bắt đầu bằng việc lấy ý kiến người bệnh, gia đình ở khoa khám bệnh liên tục trong 1 vài tháng. đặt quầy hướng dẫn cách cài đặt app, giải thích lý do, hướng dẫn các tính năng tiện lợi.....v..v....
 
Tính năng của app hỗ trợ ở thời điểm hiện tại
 
   - Xem lịch đặt hẹn
   - Nội dung khám ở khoa nào, các xét nghiệm và kiểm tra có lịch cụ thể ra sao
   - Còn bao nhiêu bệnh nhân đang chờ trước mình khi đang chờ ở viện
   - Lịch tái khám cụ thể sau đó
 
Khi nghe giải thích về app mình rất tò mò nên khai thác triệt để từ ban phụ trách các thông tin về dự tính trong tương lai và được biết khi chuẩn bị xong sẽ tích hợp nâng cấp chức năng của app, phát triển mở rộng các chức năng cụ thể nhằm chủ động chăm sóc, hướng dẫn người bệnh.
 
   - Gửi tin nhắn trước ngày khám
   - Gửi lưu ý trước ngày khám (gửi link video cần thiết, giấy tờ cần mang…)
   - Bỏ máy nhắn tin đang dùng và tích hợp nhắn tin thông báo qua app
   - Người bệnh có thể thay đổi lịch khám qua app.
   - Thông báo các thông tin hữu ích phù hợp tới người bệnh nhanh nhất (thông tin thử nghiệm thuốc, các buổi trò chuyện chuyên đề của chuyên gia, câu lạc bộ người bệnh…)
   - Người bệnh có thể xem hồ sơ bệnh án của bản thân.
 
Trong năm đầu các bệnh việc đã song song triển khai ứng dụng app trên điện thoại thông minh và sử dụng máy nhắn tin nhằm đẩy mạnh hướng dẫn, giải thích để người bệnh làm quen. Máy nhắn tin đã dùng hơn 10 năm và giờ đã tiến lên 1 bậc. Khi phù hợp sẽ chuyển đổi hay chọn giải pháp giữ cả cách làm cũ với một nhóm bệnh nhân. Tại bệnh viên mình đã từng làm việc, khi minh bạch công khai các thông tin y tế, người bệnh có thể xem nội dung dịch truyền, thuốc, lịch xét nghiệm, kết quả xét nghiệm máu qua màn hình tivi phòng bệnh bằng ID người bệnh, có BV tuyến đầu đã cho phép người bệnh tham gia một số cuộc hội chẩn đa khoa quyết định hướng điều trị của chính mình, in bệnh án (hầu hết được chấp nhận với chi phí 2000-4000vnd/tờ A4)…cộng thêm việc cố gắng để không phải chờ thì người bệnh chắc chắn hài lòng và muốn lại được quay lại viện. Mình vẫn luôn háo hức chờ đợi các thay đổi trong tương lai hướng tới chất lượng khám chữa bệnh và dịch vụ người bệnh nhất là được truyền các thông tin hữu ích tới các anh chị.
 
   - Để thực hiện được các việc trên chắc hẳn bv đã phải định hướng xây dựng quy trình khám, xét nghiệm theo kế hoạch. Khống chế số lượng bệnh nhân và tuân thủ các quy trình đã đề ra. Mình tin chắc rằng với sự phát triển hỗ trợ của công nghệ chúng ta sẽ giảm bớt áp lực, làm việc khoa học hơn. Chúng ta cũng cần thay đổi tư tưởng luôn làm mới mình theo kịp được sự thay đổi, chuyển đổi số.
 
 
 
   - Khi có công nghệ hỗ trợ nhân nhiên y tế chúng ta cũng chủ động hơn trong các công việc khác để thăm khám, chăm sóc hướng dẫn người bệnh. Công nghệ chỉ mãi là công cụ hỗ trợ chứ không phải giải pháp thay thế. Vẫn rất cần một nụ cười, một lời chào, những lời nhắn nhủ tận tâm nhưng ít ra nếu bác sĩ, điều dưỡng thay vì phải nói 100 lần sẽ mệt thì công nghệ hỗ trợ giúp chúng ta sẽ có “sức” để nhẹ nhàng hơn với người bệnh.
 
   - Mình tin với tốc độ phát triển IT ở VN chúng ta sớm có nhiều giải pháp công nghệ hỗ trợ. Mỗi bệnh viện có phân cấp người bệnh, tính chất người bệnh, cả trình độ của NB, chỉ có nvyt tại đó mới thấu hiểu đặc trưng này.
 
✍️Đôi dòng suy nghĩ
 
Người Nhật quy củ, tuân thủ quy trình, chậm chắc nhưng thiếu linh hoạt uyển chuyển và đôi khi hơi máy móc. Người Việt linh động hơn, cũng cần cù, thông minh và có phần luôn thích tìm giải pháp để làm nhanh, đốt cháy công đoạn. Cái gì cũng có mặt tốt, trong y tế thì chúng ta vẫn đặt an toàn lên số một. Thiết nghĩ nếu chỉ dùng biện pháp nhắn tin tới người bệnh đã có hiệu quả thì có vô vàn cách làm bởi vì
 
   - Chưa có tiền đầu tư hệ thống thông suốt thì cứ triển khai ở mức khoa phòng, giải quyết vấn đề trước mắt. Như thế cũng đã đủ truyền tải thông điệp tới người bệnh.
 
   - Báo cáo sự cố qua nhóm Face book kín như ở BV Việt Nam khiến các bác Nhật tròn mắt , đơn giản họ có kinh phí đầu tư và xây dựng hệ thống chuyên dụng rồi. Liệu có thể tận dụng mạng xã hội trong việc nhắn tin cho nb như trên?
 
   - Nhắn tin qua tin nhắn điện thoại, ngay cả thử nghiệm một giải pháp khác thì sao? Thông tin cá nhân nb ở thời điểm hiện tại theo mình cảm nhận không nghiêm trọng như ở Nhật. Chuyện up ảnh phòng mổ, litream khám, làm thủ thuật, trao đổi tương tác với nb VN có thấy, còn Nhật tuyệt đối say “NO”. Nhưng một số BV ở Nhật lập trang Face book bv, khoa để kết bạn với đối tượng là NB Việt nam để truyền, xác nhận thông tin đã rất hiệu quả, có điều tương tác theo danh nghĩa không phải cá nhân với mục đích phục vụ chăm sóc nb.
 
   - Nếu muốn chắc chắn có vô vàn cách làm phù hợp với bệnh viện anh chị. Hãy cùng suy nghĩ thảo luận tìm giải pháp phù hợp trước hết giảm thiểu cảm giác chờ đợi cho người bệnh, và cố gắng để thời gian chờ ngày một rút ngắn tại BV anh chị. Không quên đánh giá hiệu quả!
 
   - Anh chị chắc chắn là người thấu hiểu nhất bệnh viện của mình, cùng ngó nghiêng viện bạn cải tiến ra sao cũng là cơ hội để đưa ra giải pháp cải tiến phù hợp về cho bv mình điều trỉnh rồi triển khai.
 
✍️Chủ đề giảm thiểu chờ đợi chắc còn rất nhiều thứ để bàn… trong mục #chiasetuNhatBan thứ 6 hàng tuần sẽ vẫn chia sẻ những gì nghe, thấy, đã làm ở Nhật mà mình thấy hay tới các anh chị. Có nội dung gì anh chị muốn biết hãy phản hồi mình sẽ cố gắng.
 
🇯🇵✍️Xứ phù tang làm thật thì áp lực nhiều, các bạn trẻ tới đây với nhiều hoài bão nhưng trong số đó có một bạn đọt tử và mắc bệnh hiểm nghèo. Mình đã hỗ trợ rất nhiều...Hiện tại vài ca đang chờ để đưa về nước cần trợ giúp của NVYT. Tuần này KOKORO MEDICAL đã rất cố gắng trong việc hỗ trợ em du học sinh mới 21 tuổi nhưng không may tới Nhật bị K máu loại ALL giai đoạn cuối về nước. Tưởng không kịp viết được bài đăng chia sẻ thứ 6. Được sự hỗ trợ của DSQ VN tại Nhật, BV 175… chỉ còn chờ lên máy bay vào Chủ Nhật này, em sẽ sớm về đoàn tụ những ngày còn lại tại quê nhà. Rất cảm ơn các cá nhân tổ chức đã cùng đứng ra khuyên góp hỗ trợ kinh phí giúp đỡ em. Giữa mùa đông lạnh mà cảm nhận thấy tình người thật ấm.
 
Anh chị có thể cho biệt các bệnh viện nào khu vực phía Hà Nội có thể đón tiếp người bệnh trong dịp COVID này không ạ?
 
Chúc anh chị cuối tuần vui vẻ
 
18/12/2020 
Hayashi Huệ
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team