linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

Chúng ta sẽ là lương

Một ngày hội thảo sôi nổi với bao vấn đề bức xúc được đặt ra chung quanh đề tài Chuyển viện an toàn, để rồi kết thúc trong nỗi âu lo nặng trĩu, khi nhận ra rằng chúng ta đang hoạt động trong một lối mòn không có căn cứ pháp lý.

 Zi sẽ không phân tích hết các tình huống chuyển viện vì quá dài dòng và không cần thiết mà chỉ chú tâm vào tình huống chuyển viện cấp cứu lên tuyến trên. Zi cũng không đề cập nhiều đến các việc cần làm, các thủ tục và bảng kiểm trước khi tiến hành chuyển viện mà bộ phận Quản lý chất lượng và Điều dưỡng ở nhiều nơi đã nỗ lực xây dựng nhằm giảm thiểu những sự cố xảy ra trong quá trình vận chuyển. Bài viết sẽ tập trung vào phân tích những thủ tục hệ thống y tế cần phải làm khi chuyển viện, các xử trí trên đường đi, và cơ sở pháp lý cho những hành động đó. Có vài văn bản là cơ sở pháp lý cho việc chuyển viện và xử trí tình huống trong khi chuyển viện: Luật khám chữa bệnh 40/2009/QH12 (A), Quyết định 1895/1997/QĐ-BYT (B), Quyết định 01/2008/QĐ-BYT (C), Thông tư 23/2011/TT-BYT (D), Thông tư 14/2014/TT-BYT (E). Chúng ta thử tìm hiểu và so sánh với thực tế.

Hàng ngày, cơ sở y tế nào cũng có chuyển viện cấp cứu lên tuyến cuối với các bệnh vượt quá khả năng điều trị của cơ sở. Trong phần lớn các trường hợp, chỉ có điều dưỡng viên là người theo dõi và xử trí. Bác sĩ chỉ đi theo khi tiên lượng bệnh nhân nặng, khả năng tử vong dọc đường rất cao. Khi chuyển viện, cơ sở y tế nơi có bệnh chuyển đi sẽ thông báo với cơ sở nhận bệnh và tiến hành các thủ tục hành chính, một trong các thủ tục đó là kết thúc hồ sơ bệnh án điều trị. Như vậy, khi xe vận chuyển ra khỏi cổng, về phương diện pháp lý, cơ sở y tế chuyển đi sẽ không còn trách nhiệm về chuyên môn với bệnh nhân như là một bệnh nhân nội trú nữa. Cơ sở y tế nhận bệnh chỉ chưa mở hồ sơ bệnh án, cũng chưa có trách nhiệm chuyên môn với bệnh nhân. 
 
Căn cứ vào các khoản 3,7 Điều 2, Chương I của Luật khám chữa bệnh, có thể xem xe cứu thương như là cơ sở y tế lưu động, trong suốt quãng thời gian di chuyển giữa hai cơ sở y tế, trách nhiệm về chuyên môn sẽ đặt hoàn toàn lên vai của ekip vận chuyển, trừ lái xe. Hành động của ekip này sẽ được chi phối bởi các điều khoản của (C), (D), (E) và tham chiếu một phần ở (B).
 
Trường hợp có bác sĩ, việc ra y lệnh xử trí sẽ căn cứ vào các khoản 1,2,3 điều 3 chương II (D), nhưng sẽ không thực hiện được bởi toàn bộ (E) không quy định bất cứ một hồ sơ nào đem theo, ngoại trừ mẫu giấy chuyển tuyến được quy định tại phụ lục 1 (E). Như vậy, y lệnh này sẽ không có cơ sở pháp lý. Để tránh điều này, có hai phương án giải quyết trong thời điểm hiện tại. Đó là tiên lượng các diễn biến trên đường đi, cho trước y lệnh ở bệnh án trước khi kết thúc, ghi: thực hiện khi có diễn biến, hoặc áp dụng các điều khoản của (C). Theo cách 1, nếu không có diễn biến dọc đường, sẽ không làm được các thủ tục hoàn trả y lệnh, bởi hồ sơ đã kết thúc. Theo cách 2, các điều khoản cũng quy định phải ghi hồ sơ trì hoãn khi việc cấp cứu đã kết thúc. Vì không có cơ sở pháp lý cho việc ra y lệnh, việc thực hiện y lệnh của điều dưỡng cũng sẽ không có cơ sở pháp lý, căn cứ vào điều 6 chương II (D).
 
Trong trường hợp không có bác sĩ, đương nhiên việc tự ý ra và thực hiện y lệnh của điều dưỡng chuyển bệnh sẽ không có cơ sở pháp lý nào cả, mặc dù có thể viện dẫn Khoản 1, Điều 102 của Bộ luật hình sự về việc cứu giúp người bị nạn, tuy vậy lại bị ràng buộc bởi các Khoản 2,3,11 Điều 6 (A). Việc liên lạc để nhận y lệnh qua điện thoại chưa được quy định cụ thể, Quy chế bệnh viện (B) chỉ quy định rất sơ sài về việc ra và thực hiện y lệnh miệng, trong Dự thảo sửa đổi quy chế bệnh viện có thêm quy chế này, tuy nhiên vẫn chưa được đưa vào áp dụng. Ngay cả trong trường hợp Quy chế thực hiện y lệnh miệng được áp dụng, vẫn còn một lỗ hổng quan trọng là y lệnh đó không biết thể hiện trên hồ sơ nào để làm chứng cớ pháp lý. Khoản c, Điều 8, Chương 2 của (E) chỉ ghi “Người hộ tống là bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh có trách nhiệm theo dõi, xử trí kịp thời diễn biến bệnh lý của người bệnh trong quá trình vận chuyển và vận chuyển người bệnh theo kỹ thuật phù hợp với tình trạng bệnh lý của người bệnh” chứ hoàn toàn không đề cập đến việc thể hiện y lệnh xử trí đó như thế nào.
 
Một vấn đề quan trọng nữa chưa được quy định cụ thể trong Thông tư (E), đó là việc giải quyết khi bệnh nhân tử vong dọc đường chuyển viện, do đó chúng ta thử xem Quy chế giải quyết người bệnh tử vong ở Phần IV của (B). Nhưng quy chế này chỉ áp dụng đối với bệnh nhân nội viện, nên chúng ta sẽ tham chiếu với tiểu mục a, Khoản 3, Điều 6, Chương 2 của (C). Theo đó, ekip vận chuyển sẽ có trách nhiệm giải thích với thân nhân, tiếp tục vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện, phối hợp với bác sĩ cấp cứu của bệnh viện nơi chuyển tới lập biên bản tử vong và hoàn thiện hồ sơ bệnh án. Trên thực tế, khi bệnh nhân tử vong dọc đường đi, người nhà sẽ gây áp lực không cho vận chuyển tiếp mà chuyển hướng đưa về nhà, điều này đặc biệt nguy hiểm khi bệnh nhân tử vong vì các tình trạng bệnh liên quan đến pháp luật như tai nạn hoặc cố ý gây thương tích. Một tình huống nữa, là khoa cấp cứu của bệnh viện tuyến trên ghi nhận bệnh tử vong ngoại viện. Với tình huống này, cũng khó có các căn cứ pháp lý để kết luận nguyên nhân tử vong, và bệnh viện tuyến dưới sẽ gặp nhiều khó khăn khi cung cấp hồ sơ cho cơ quan điều tra.
 
Tóm lại, việc chuyển viện vẫn đang còn tồn tại rất nhiều lỗ hổng về mặt pháp lý, mà xuất phát điểm đầu tiên là thiếu quy định về bệnh án chuyển viện và phiếu theo dõi khi chuyển viện. Do đó, cần có một kiến nghị khẩn cấp lên cơ quan chủ quản cấp cao nhất để có những bổ sung và thay đổi một số điều khoản trong Thông tư 14/2014 nhằm làm rõ hơn trách nhiệm pháp lý, nhiệm vụ chuyên môn cụ thể của cơ sở y tế cũng như từng cá nhân tham gia.
 
Các điều khoản cần quy định rõ:
- Bệnh án chuyển viện đi kèm với giấy chuyển tuyến.
- Phiếu theo dõi sinh hiệu.
- Quy chế thực hiện y lệnh qua điện thoại.
-Trách nhiệm chuyên môn của cơ sở y tế trong khoảng thời gian chuyển viện.
- Giải quyết tình huống tử vong dọc đường. 
 
Thấy thấm thía câu nói của Lỗ Tấn, thế gian làm gì có đường, thiên hạ đi mãi mà thành đường đó thôi. Con đường, bao thế hệ trước đi mãi đã thành. Nhưng đến khi cần dọn dẹp lại cho sạch sẽ khang trang mới chợt nhận ra chẳng có cơ sở gì để chứng minh rằng đó là một con đường cả. Có nghĩa là chúng ta đang đi trong một rừng rậm nhưng vẫn nghĩ đó là một con đường, hoặc đã là một con đường thật sự nhưng dưới con mắt của các nhà hành pháp nó vẫn là rừng rậm. Nếu không có biện pháp để thay đổi tích cực ngay từ bây giờ, có thể ai đó trong chúng ta sẽ là một Hoàng Công Lương tiếp theo.
 
Võ Phạm Trọng Nhân
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team