linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

Đi làm việc là quá trình đi "Bán" ý tưởng

Thông thường mỗi người chúng ta được đào tạo một chuyên ngành khác nhau, lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Nhưng khi đi làm việc, để giải quyết các vấn đề trong công việc, nó đòi hỏi chúng ta phải phối hợp lại thì hiệu quả công việc mới có. Không ai có thể làm cái gì đó một mình.
 
Tuy nhiên, thường mọi người mắc phải một lối suy nghĩ “xem người khác hiển nhiên phải hiểu chuyên môn của mình”, đặc biệt là sếp phải biết, phải hiểu, phải ủng hộ chuyện của mình làm. Chính cái giả định này làm chúng ta cảm thấy bất mãn, cảm thấy người khác sao không nghĩ được như mình nghĩ, và cảm thấy mình không được trọng dụng, cảm thấy mình là “con ghẻ”, bị hắt hủi…
 
Ví dụ, một chị trưởng phòng dinh dưỡng than thở, ở đây người ta rất xem thường yếu tố dinh dưỡng trong điều trị, tỷ lệ bệnh nhân dùng suất ăn dinh dưỡng của bệnh viện rất thấp. Chị ấy muốn giám đốc phải ra một quyết định hành chính ngay lập tức bắt tất cả bệnh nhân phải đăng ký suất ăn của bệnh viện. Và chị ấy rất bất mãn khi giám đốc không làm điều đó.
 
 
 
Hay như chuyện làm marketing trong bệnh viện. Riêng chuyện để hiểu marketing là gì và làm những gì thì không phải ai cũng tỏ tường, và do đó đương nhiên là bộ phận marketing sẽ gặp không ít trở lực trong quá trình triển khai công việc.
 
Thực tế, không ai đủ thời gian đi tìm hiểu chuyện của ai, và sếp không đủ “thần thông quảng đại” hiểu hết mọi thứ trên đời như ta nghĩ. Hoặc có sự hiểu chưa chính xác về chuyện của chúng ta làm là hết sức bình thường.
 
Nếu chúng ta “bay đi” khi cảm thấy người khác không cần tới mình, thì tôi e rằng cả đời chúng ta sẽ không “đậu” được chổ nào hết mà chỉ là một cách chim bay nhảy.
 
Có nhiều dạng nhảy việc, có dạng tốt, có dạng không tốt. Nhưng nhảy việc với lý do không được trọng dụng thì đó là việc không tốt của chính chúng ta cần cải thiện. Vì nếu không cải thiện, chúng ta có đi chổ khác cũng thế thôi. Rồi cũng lại nhảy tiếp.
 
>>> Hãy bắt đầu bằng việc nhỏ. Luôn trăn trở với công việc, chuẩn bị sẳn ý tưởng và chờ cơ hội
 
Công việc trong một tổ chức luôn luôn xuất hiện những vấn đề khó khăn, phức tạp, mới cần những ý tưởng để giải quyết và đó là cơ hội của chúng ta. Một người được gọi là có năng lực khi chúng ta có khả năng “nhận ra vấn đề, có ý tưởng giải quyết vấn đề một cách khả thi, và biết cách tổ chức triển khai giải quyết vấn đề đó, và cuối cùng là giải quyết được vấn đề”. Khi bạn có năng lực thì bạn có thể sống được ở bất cứ nơi nào, và bất cứ nơi nào cũng cần bạn.
 
Việc chị trưởng khoa dinh dưỡng đùng đùng đi yêu cầu giám đốc ngay lập tức ban hành mệnh lệnh thì nó cũng giống như chúng ta tự lao đầu vào tảng đá vậy. Hậu quả tức thì là nó sẽ gây đổ vỡ mối quan hệ giữa chị và sếp. Thay vào đó chị nên làm những việc nhỏ hơn trong tầm tay để thay đổi từ từ mọi người, và hiểu rõ hơn những trở lực thực sự khi triển khai đồng loạt sự bắt buộc.
 
Hay việc một trưởng phòng marketing đề nghị BGĐ mở một cuộc họp tất cả quản lý chủ chốt để anh ấy trình bày và thông qua chiến lược marketing hay kế hoạch marketing (và phân công ai phải làm gì hay phải cung cấp tài nguyên cho anh ấy làm) thì tôi nghĩ có 10 năm yêu cầu ấy cũng chưa được thực hiện. Chúng ta nên nhớ rằng, để trong bệnh viện có một bộ phận marketing, VN chúng ta mất khoảng 20 năm đó sao. Có một shark (trong chương trình shark tank) đã phải thốt lên “bệnh viện là một thành trì của sự bảo thủ”. Quá trình làm việc với các bệnh viện những năm qua, tôi nhận thấy rằng bệnh viện không phải là một môi trường bảo thủ, một phần vì cơ chế trói buộc, muốn làm cũng không được, một phần vì để thuyết phục những con người tri thức, phải dùng cách của tri thức.
 
Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ, ví dụ marketing trong bệnh viện nên bắt đầu từ hoạt động truyền thông, làm sao để thiết kế một cái poster tốt, làm sao để tổ chức một vài sự kiện nho nhỏ thành công (tốn tiền ít, sức lan tỏa nhiều). Hay như làm sao đề khoa sản tăng lượt sinh, tại sao người sao người ta đến khám thai nhiều nhưng người ta không chọn chúng ta để sinh, vấn đề nằm ở đâu, làm sao giải quyết nó?
 
Thông qua những thành tích “nhìn thấy được” (phải biết cách làm cho nó nhìn thấy được), chúng ta mới từ từ mở rộng dần tầm ảnh hưởng, cho người ta thấy giá trị của mình nằm ở đâu - lý do gì tôi nên tồn tại trên cõi đời này.
 
Điều bất kỳ một người sếp nào cũng cần đó là giải pháp, không phải là đặt vấn đề cho sếp nghĩ cách giải quyết nó. Khi bạn đối diện với sếp, nên nhớ trong đầu bạn phải có giải pháp, chứ không phải là vấn đề. Và một điều quan trọng mà bạn cũng phải nhớ, bất kỳ người làm sếp nào họ cũng hiểu một đạo lý quan trọng là quyền lực là một thứ tài sản có thể hao mòn, quyền lực phải sử dụng đúng chổ, đúng lúc, đúng đối tượng, đúng việc. Việc bạn mượn quyền lực của sếp để phục vụ công việc của bạn là hết sức tránh, nếu bạn muốn sếp đánh giá cao. Nói nôm na, bạn tự đi giải quyết nó mà không cần phải mượn quyền của sếp mới là thứ sếp thích.
 
Cơ hội trong công việc đôi khi đến một cách bất thình lình, có thể trong một buổi họp, có thể trong một lần gặp sếp trong thang máy, thậm chí lúc uống café với ai đó. Cho nên nếu bạn không có sự chuẩn bị ý tưởng trước, bạn không thể chộp được cơ hội. Mà muốn có ý tưởng, chúng ta phải có một quá trình trăn trở và suy ngẫm trước đó.
 
Đi làm việc kỵ nhất là nói nhiều điều ở tầm chiến lược cao xa trước khi người ta hiểu về năng lực của bạn. Muốn “bán” được một ý tưởng ở cấp chiến lược mất vài năm là chuyện bình thường, và phải bán hàng trăm ý tưởng nhỏ nhỏ khác để tạo lòng tin, uy tín về năng lực trước.
 
Cá nhân tôi, đi làm cố vấn cho các bệnh viện và doanh nghiệp thường bắt đầu bằng những việc nhỏ, đào tạo công nhân, đào tạo điều dưỡng, thậm chí là huấn luyện cho mấy chị vệ sinh bệnh viện làm việc hiệu quả hơn. Và từng bước, thường sau khoảng 2-3 năm, tôi mới có cơ hội đi vào các vấn đề chiến lược, khi đó mọi người đã quen, đã hiểu, thì khả năng thuyết phục của chúng ta ít phức tạp hơn. Kinh nghiệm cá nhân, nếu chúng ta bắt đầu một mối quan hệ công việc bằng các vấn đề chiến lược thì hết 90% là đi vào con đường thất bại.
 
>>> Bán ý tưởng phải bán đúng nơi, đúng lúc, đúng người, đúng cơ hội, và nếu chờ mãi cơ hội không đến thì phải biết dựng lên cơ hội cho mình.
 
Thường khi ta nghĩ ra một cái gì hay, sự nôn nóng làm ta “gặp đâu nói đó”, và rất nhiều trong số đó sẽ không được sự hưởng ứng nhiệt tình như ta mong đợi. Đó là chưa kể, nó không đúng người, coi chừng bị người khác cướp ý tưởng cũng không phải là hiếm. Phải biết hoãn cái sự háo hức lại một chút, để chờ đúng lúc người ta cần nó xuất hiện thì xuất hiện, thì ý tường mới được bán với giá trị cao nhất.
 
Cũng có những trường hợp, nếu bị động chờ đợi cơ hội thì cũng không hay, vì nếu ta không làm ra được một biểu hiện thành tích gì thì coi chừng ta bị đuổi trước khi cơ hội đến.
Đôi khi phải biết cách tạo ra vấn đề, làm phức tạp vấn đề lên, và đương nhiên “vấn đề phức tạp này tôi có giải pháp”. Ví dụ, vấn đề sử dụng suất ăn dinh dưỡng là một trở ngại nếu bệnh viện muốn thăng hạng hay các bệnh viện gần bên có sự tăng trưởng ca sanh rất tốt. Khéo léo lồng ghép tạo dựng thông tin để thu hút sự chú ý, đôi khi vấn đề chưa trở thành vấn đề đến khi chúng ta chưa tạo ra nó.
 
Trải nghiệm cá nhân, có những lúc tôi cần đến 3-6 tháng để dàn trận tạo dựng vấn đề từ đó đưa vào những ý tưởng giải pháp của mình.
 
Làm việc là vậy đó, người ta không cần biết quá trình, người ta chỉ cần nhìn vào kết quả. Nó không có chổ cho sự đổ thừa. Càng không thể đổ thừa sếp không hiểu, hay ai đó không hiểu mình. Thực sự, cuộc sống này không ai đi dành thời gian để hiệu bạn, trừ những người trong gia đình bạn.
 
Anh Anthony Phuc Le"Cảm ơn anh Tuân về bài viết rất hữu ích và thực tế. Tuỳ vào từng tình huống sẽ có những qui mô và chủng loại nhân sự tham gia khác nhau. Đối với các vấn đề lớn cần đến nhiều người từ nhiều thành phần thì teamwork cần có một người lãnh đạo và các chuyên gia. Chuyên gia là những người cần phải giỏi trong lĩnh vực chuyên môn của mình như marketing, dinh dưỡng, IT, quản lý chất lượng, nhân sự, tài chính,...để tư vấn cho người lãnh đạo. Người lãnh đạo có thể không hiểu sâu về chuyên ngành của các chuyên gia nhưng cần phải biết về các lĩnh vực này để thu thập thông tin, phân tích, diễn giải, và đưa ra các giải pháp để giải quyết vấn đề. 

Việc các chuyên gia thúc ép lãnh đạo làm theo ý của họ là không đúng vì nhiệm vụ chính của các chuyên gia là tư vấn cho lãnh đạo chứ không phải push lãnh đạo phải ra quyết định. Tương tự, lãnh đạo không lắng nghe đề xuất của chuyên gia cũng không đúng vì ý kiến của các chuyên gia với các lĩnh vực khác nhau sẽ cung cấp cho lãnh đạo một nguồn thông tin chuyên sâu và đa chiều để lãnh đạo phân tích và tổng hợp cho các quyết định toàn diện và dựa trên chứng cứ (holistic and evidence-based decisions) chứ không phải phiến diện và cảm tính.

Nhìn chung, để xây dựng một mối quan hệ giữa lãnh đạo và các chuyên gia một cách hiệu quả là sự kết hợp giữa khoa học và nghệ thuật"
 

Ths. Huỳnh Bảo Tuân
 
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team