linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

Giới thiệu về Hệ thống y tế ở Pháp

Bài viết do thành viên Ha Do, Dược Sĩ Hà, có kinh nghiệm 10 năm làm việc trong môi trường y tế ở Pháp, và nhiều ý kiến chia sẻ từ Anh Dimitry Tran cùng các thành viên của CLB.
Định nghĩa về hệ thống y tế: Hệ thống y tế bao gồm tất cả các phương tiện ( tổ chức, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và tài chính) dùng để thực hiện các mục tiêu của chính sách y tế. 
 
Các thành phần chính của Hệ thống y tế bao gồm:
- Nhu cầu khám chữa bệnh
- Nguồn lực nhân viên và cơ sở y tế để đáp ứng các nhu cầu của người bệnh
- Nguồn tài chính chi trả cho các hoạt động chăm sóc khám chữa bệnh
- Các chính sách chỉ đạo
 
Hệ thống chăm sóc khám chữa bệnh hiện nay ở Pháp: 
1) nhiệm vụ chung của các cơ sở y tế:
1.1) chăm sóc sức khoẻ: bao gồm chuẩn đoán, xét nghiệm và điều trị bệnh, theo dõi tiến triển bệnh, đồng thời quan tâm đến tình trang tâm lý của bệnh nhân. Một số cơ sở có cả chức năng theo dõi thai kỳ. 
1.2) thông tin cho bệnh nhân về tình trạng sức khoẻ, tiến triển bệnh, các phác đồ điều trị. Bệnh nhân được quyền tra cứu hồ sơ bệnh án. 
1.3) đánh giá, phân tích chất lượng, hiệu quả các dịch vụ, các hoạt động của mỗi cơ sở để không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. 
1.4) chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, phát triển các hình thức giáo dục sức khoẻ, các phương pháp phòng ngừa bệnh kèm theo các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy. Các nhiệm vụ này là của các bệnh viện trường đại học, hoặc liên kết với các viện nghiên cứu. 
 
2) Các mô hình cơ sở y tế:
Phác đồ dưới cho thấy sự đa dạng trong các mô hình chăm sóc sức khoẻ ở Pháp:
 
Chăm sóc sức khoẻ ở cộng đồng:
Đội ngũ nhân viên y tế 
- bác sỹ ( đa khoa, chuyên khoa)
- y tá, điều dưỡng
Mô hình
- phòng khám gia đình 
- trạm y tế
- trạm y tá
 
Chăm sóc sức khoẻ ở bệnh viện: vào tháng 12/2012, cả nước Pháp có 2660 bệnh viện (tính cả bệnh viện quân đội)
Đội ngũ nhân viên y tế 
- bác sỹ ( đa khoa, chuyên khoa)
- y tá, điều dưỡng
Mô hình: xem chi tiết ở phần dưới
 
Hết giai đoạn cấp tính:
- trở về nhà
- chăm sóc tại nhà
- chăm sóc phục hồi sức khoẻ
- chăm sóc sức khoẻ kéo dài
- nhà dưỡng lão có trang thiết bị và đội ngũ nhân viên y tế
- Phòng khám gia đình do bác sĩ đa khoa hoặc chuyên khoa phụ trách, dưới hình thức phòng khám tư do một hoặc nhiều bác sĩ liên kết. Mô hình với các bác sĩ đa khoa có vai trò rất quan trọng trong việc chuẩn đoán, khám chữa các bệnh đơn giản, thường gặp trong cộng đồng như cảm cúm, rối loạn tiêu hoá, đau lưng, mệt mõi...đồng thời khám chữa và theo dõi các bệnh mãn tính như cao hyết áp, tiểu đường, hen suyễn...tuỳ vào mức độ bệnh mà bác sĩ của phòng khám gia đình có thể tự theo dõi, sử lý hoặc có thể gửi bệnh nhân đến một khoa chuyên nghành có trang thiết bị máy móc cần thiết.
- trạm y tế: quy mô to hơn phòng khám gia đình, có thể có nhiều trang thiết bị máy móc hơn. Nguồn nhân lực y tế bao gồm cả bác sĩ và y tá, có thể mở cửa 24 giờ/24.
- Trạm y tá: do một hoặc nhiều y tá phụ trách. Nhiệm vụ chính là phục vụ tận nhà các bệnh nhân được bác sĩ kê đơn sử dụng dịch vụ này, ví dụ : thay băng vết thương, vết mổ, vết bỏng, lấy máu làm xét nghiệm, tiêm truyền thuốc...
Bệnh viện: dành cho bệnh nặng, bệnh cấp tính hoặc cần ý kiến chuyên khoa, ở Pháp có nhiều mô hình bệnh viện khác nhau chủ yếu chia ra làm 3 nhóm:
- Bệnh viện công của nhà nước: quy mô to hay nhỏ tuỳ vào dân số quanh vùng do bệnh viện phụ trách (tương đương với các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh, thành phố và trung ương ở Việt nam): các bệnh viện này phải đảm bảo sự công bằng trong khám chữa bệnh cho tất cả các bệnh nhân, không phân biệt mức thu nhập, chủng tộc, màu da...
- Bệnh viện tư: không có chức năng cộng đồng, nghĩa là không cần phải đảm bảo cho mọi người đều có quyền khám chữa bệnh ở đây. 
- Bệnh viện chuyên khoa tâm thần: có những bệnh viện đa khoa có khoa tâm thần và có những bệnh viện chuyên về mãng tâm thần. ( Ghi chú: ở Pháp phần lớn các bệnh viện đều là đa khoa, có những viện lớn với 1 hoặc 2 khoa chủ đạo và rất ít bệnh viện chuyên khoa duy nhất trừ bv chuyên khoa tâm thần có ở hầu hết các vùng miền). 
 
Nhiệm vụ chính của một bệnh viện trước hết là chuẩn đoán, xét nghiệm và điều trị các bệnh cấp tính, bệnh nặng, nguy kịch, các bệnh nhân cần dùng các máy móc thiết bị cầu kỳ, chuyên sâu. Những bệnh nhân này không thể để theo dõi ở các phòng khám gia đình hoặc trạm y tế. Bệnh viện phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả khám chữa bệnh cao đồng thời giảm ngắn tối thiểu thời gian nằm viện.
 
Tuỳ vào quy mô của các bệnh viện mà có các hình thức hoạt động khác nhau: 
- bệnh nhân nằm điều trị ngắn ngày
- bệnh nhân nằm điều trị trong tuần, cuối tuần thì bệnh nhân ra về, thường cho các ca theo dõi lâm sàng, các đợt truyền thuốc ung thư trong nhiều ngày...
- bệnh nhân nhập viện trong ngày tối lại về nhà thường để được truyền máu, truyền thuốc ung thư, truyền các thuốc có nguy cơ sốc cao....
 
Sau thời gian nằm điều trị ngắn ngày ở bệnh viện, tuỳ theo tình hình sức khoẻ bệnh nhân mà có nhiều lối ra khác nhau:
- bệnh nhân trở về nhà với cuộc sống bình thường hàng ngày
- bệnh nhân được đưa vào khu phục hồi, tăng cường sức khoẻ ngắn ngày để hoàn thành đợt điều trị hoặc theo dõi giáo dục, hướng dẫnbệnh nhân với mục tiêu chuẩn bị tốt nhất cho bệnh nhân quay trở lại cuộc sống hàng ngày. Khu phục hồi, tăng cường sức khoẻ nay có thể trực thuộc bệnh viện hoặc là một khu riêng biệt tách rời khỏi bệnh viện
- bệnh nhân được đưa vào khu chăm sóc sức khoẻ lâu dài dành cho các bệnh nhân không còn khả năng tự lập, tình trạng sức khoẻ cần được chăm sóc, theo dõi liên tục, điều trị kéo dài
- bệnh nhân được đưa về nhà với sự chăm sóc tại nhà của đội ngũ y tế đặc biệt (tạm dịch là nằm điều trị tại nhà). Mô hình này thường dành cho các đối tượng bệnh nhân nặng ( ung thư, tai biến giai đoạn cuối...) để được chăm sóc giảm nhẹ. Nếu không có đội ngũ y tế chăm sóc tại nhà thì những bệnh nhân này sẽ phải nằm lại bệnh viện. Bệnh nhân có quyền lựa chọn mô hình này hoăc nằm lại ở bệnh viện. Đội ngũ y tế (bác sĩ, y tá) có thể trực thuộc bệnh viện hoặc là tổ chức riêng biệt tách rời khỏi bệnh viện. 
- nhà dưỡng lão có trang thiết bị và đội ngũ nhân viên y tế dành cho đối tượng người già cần chế độ chăm sóc sức khoẻ đặc biệt.
 
Bài viết này nhằm đưa ra một cái nhìn tổng thể về hệ thống y tế đa dạng của Pháp để đáp ứng được các nhu cầu chăm sóc sức khoẻ khác nhau trong cộng đồng và mối quan hệ giữa các mô hinh y tế khác nhau, mỗi mô hình có các chức năng, nhiệm vụ riêng biệt trong một tổng thể chung. Sự lão hoá dân số đã đưa ra những mô hình y tế mới, giúp giảm tải bệnh viện mà vẫn cung cấp được chất lượng cao như nằm điều trị tại nhà, khu phục hồi, tăng cường sức khoẻ ngắn ngày.
 
Ha Do
 
Ý kiến chia sẻ của các Anh Chị trên Diễn đàn CLB QLCL-ATNB:
 
Khoa Nguyễn Trọng: Cám ơn bạn Ha Do! Phần tổng hợp của bạn về hệ thống y tế của Pháp rất hay! Mình sẽ nghiên cứu thêm! Y tế Pháp được xếp top 10 về chất lượng dịch vụ đó bạn ạ!
 
Ho Manh Tuong: Khi nào BYT và SYT không còn là cơ quan chủ quản BV công thì các vấn đề sẽ từ từ được giải quyết. 
Đây là cái mấu chốt cần gỡ trước.
 
Dimitry Tran: Rất vui được kết nối với bạn Ha Do. Tổ chức Commonwealth Fund của Mỹ là cơ quan nghiên cứu lớn về so sánh các hệ thống Y Tế của các nước. Mình xin chia sẻ trang web này cho các bạn muốn tìm hiểu thêm. http://international.commonwealthfund.org/
 
Dựa trên nghiên cứu hàng năm của Commonwealth Fund thì hệ thống Y Tế của Anh (National Health Services - NHS) là tốt nhất - về , độ công bằng và chi phí (xin xem hình).
Một điểm cần lưu ý là không có sự tương quan nào giữa mức độ can thiệp của chính phủ vào nền y tế và kết qủa xếp hạng. Cả Anh và Pháp đều có hệ thống y tế Công rất lớn (NHS của Anh là nhà tuyển dụng lớn thứ 5 thế giới), nhưng Anh xếp hạng 1 trong khi Pháp xếp thứ 9.
Nước Mỹ xếp hạng chót trong 11 nước mặc dù hệ thống Y Tế Tư rất phát triển (và xã hội chi nhiều nhất thế giới cho Y Tế: $8,500 trên đầu người một năm so với $3,400 của Anh).
 
 
Một điểm mạnh của nền y tế Pháp đó là lực lượng Bác Sĩ Gia Đình (General Practitioner or GP) mà bạn Ha Do có đề cập đến phía trên. Pháp có 102,000 GPs so với 118,000 Bác Sĩ Chuyên Khoa (gần bằng nhau về số lượng). 59% GP của Pháp là tư nhân. Theo hình sau (Pháp là nước thứ 3 tứ bên trái) thì GP của Pháp xếp hàng đầu thế giới về mức độ hợp tác với Bác Sĩ Chuyên Khoa trong việc chăm sóc bệnh nhân.
Trong một bài tới đây mình sẽ xin phép chia sẻ thêm góc nhìn của mình về công việc vai trò của GP trong hệ thống y tế.
 
 
Điểm mạnh thứ hai mà bạn Ha Do đề cập đó là mô hình Trạm Y Tá. Hiện thời các nước đang đẩy mạnh vai trò Y Tá Điều Trị (Nurse Practitioner) để giảm tải cho hệ thống và đồng thời công nhận vai trò và trình độ của Y Tá trong việc hỗ trợ bệnh nhân mãn tính. Pháp (và Anh) là hai nước hiện đi đầu trong lĩnh vực này.
 
 
Ha Do: Em thấy bên này các trạm y tá thuộc về bên chăm sóc cộng đồng, chỉ làm các việc đơn giản, không phải là mô hình để giảm tải bv. Các mô hình phụ trợ cho bv là các mô hình sau khi đi bv( chăm sóc tại nhà, cs phục hồi sk ngắn ngày or dài ngày). Đợt tới em định viết về các mô hình này. Nếu anh muốn em co thể viết thêm về trạm y tá ah
 
Dimitry Tran: Nếu Ha Do viết thêm về hệ thống trạm y tá thì rất hay vì đây là mô hình sẽ phát triển nhanh trong tương lai và sẽ có nhiều vì dụ hay cho Việt Nam.
Trong comment ý mình nói trạm y tá giảm tải cho cả hệ thống y tế chứ không phải thay thế bệnh viện. 
 
Nếu bệnh nhân mãn tính (tiểu đường, huyết áp cao) được chăm sóc tốt trong cộng đồng bởi y tá thì sẽ giảm rủi ro phát sinh cần phải gặp bác sĩ hay nhập viện.
 
Ở Úc các nghiên cứu gần đây cho thấy các y tá chăm sóc cho bệnh nhân mãn tính còn tốt hơn bác sĩ, vì thường thị họ có kỹ năng mềm tốt và có nhiều thời gian cho bệnh nhân hơn.
 
Quỹ bảo hiểm tư lớn nhất ở Úc vừa thực hiện pilot project dùng y tá theo dõi bệnh nhân vừa xuất viện và mãn tính, họ giảm được khả năng tái nhập viện 40%. (Điều này khiến một số bệnh viện tư không được vui, vì giảm nguồn bệnh nhân và doanh thu của họ). Tuy nhiên các quĩ bảo hiểm càng ngày càng quan tâm đến kết quả y tế (outcome) chứ không trả tiền cho số lượng dịch vụ như trước (fee-for-service). Nếu bệnh nhân tái nhập viện trong vòng 30 ngày (xuất huyết hay nhiễm trùng sau mổ) thì bệnh viện phải chi tiền, bảo hiểm không trả nữa.
 
Vì vậy ngay cả bệnh viện tư cũng không còn coi trạm y tá là "đối thủ dành khách", mà xem họ như đối tác để giúp họ tăng cường chất lượng y tế (yếu tố outcome trong bài trước mình có viết).
 
 
Ha Do
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team