linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

Vụ 2 người chết sau gây mê ở BV Trí Đức

Cuối năm bận quá, không kịp viết để chia sẻ với các bạn trong CLB về vụ của bệnh viện TRÍ ĐỨC. Giờ viết tạm ra vài phân tích từ góc nhìn của tôi dựa trên những thông tin có được. Hy vọng có ích cho các bạn. Có gì cần trao đổi xin cứ vui lòng "chém".
VỤ 2 NGƯỜI CHẾT SAU GÂY MÊ Ở BỆNH VIỆN TRÍ ĐỨC
Đánh giá mức độ: Nếu nhìn trên thang 5 mức: Bình thường / Hơi đông / Hỗn độn / Khẩn cấp / Khủng hoảng thì vụ này nên xác định ở mức 2 (Hơi đông).
 
Biện giải: Báo chí có đưa tin, và cơ bản là khách quan. Có một số báo chơi trò “đặt bẫy” dư luận bằng cách giật tít và khai thác các phát ngôn của người nhà nạn nhân. Nhưng về cơ bản, không có một cú “sốc” dư luận nào quá lớn. Mức độ quan tâm của công chúng đến vụ này là vừa phải.
 
Những điểm bất lợi phát sinh trên truyền thông liên quan đến vụ việc.
- Phát ngôn của người nhà nạn nhân được/bị báo chí khai thác:
Bố nạn nhân: “Con con trai tôi chỉ bị ho và rát cổ họng sao chết oan uổng? Trước đó, nó không hề có biểu hiện gì khác lạ, ăn uống vẫn bình thường. Bệnh của nó chỉ cắt amidan thôi nhưng không biết bác sĩ tiêm thuốc kiểu gì mà lại cướp đi tính mạng của nó”. “Chúng tôi nhất quyết chờ kết quả khám nghiệm tử thi của cơ quan Công an TP Hà Nội xem nguyên nhân cái chết của nó là do đâu”, ông Chiến nói.
- Lời dẫn gián tiếp của báo chí với những ý gọi là “của ông Chiến" (bố nạn nhân), có kèm một ý bình luận “không khách quan” của nhà báo kiểu như “cộng thêm điều kiện trang thiết bị không được trang bị đầy đủ”: Ông Chiến cho rằng, để xảy ra cái chết của con trai ông tại Bệnh viện Trí Đức có thể do chất lượng thuốc, khiến con trai ông bị sốc phản vệ. Cộng thêm điều kiện trang thiết bị không được trang bị đầy đủ, khi con trai ông có diễn biến xấu đã không thể can thiệp ngay mà phải chuyển viện.
- Lời lẽ của báo chí khai thác tình cảnh gia đình nạn nhân để thúc đẩy sự thương tâm và lòng trắc ẩn của công chúng, khiến họ quan tâm và dễ phẫn nộ hơn với sự việc: Ông Chiến cho biết, con trai ông làm nghề xe ôm, đã có 4 đứa con, cháu lớn nhất học lớp 7, cháu nhỏ nhất mới sinh được gần 2 tháng. Vợ anh T. bán hàng tạp hóa nhỏ, lại mới sinh nên thu nhập chủ yếu dựa vào chồng.
 
- Trò giật tít của một số báo:
+ Tử vong sau gây mê: “Con tôi chỉ ho, rát họng sao chết oan uổng?”
+ 2 người tử vong sau gây mê: Ai chịu trách nhiệm?
- Phát biểu của các luật sư khi trả lời phỏng vấn vô tình định hướng công chúng đến cảm nhận “bệnh viện gây mê sai quy trình”
+ Theo luật sư Thơm, nếu cơ quan điều tra xác định bác sĩ gây mê không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy trình được quy định trong Thông tư Hướng dẫn công tác gây mê - hồi sức (Thông tư 13/2012/TT) của Bộ Y Tế và các văn bản hướng dẫn thi hành là nguyên nhân dẫn tới 2 bệnh nhân tử vong thì sẽ phải chịu trách nhiệm về tội “vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”, quy định tại Điều 242, Bộ luật Hình sự 1999.
+ Theo luật sư Tuấn Anh, trong trường hợp, cơ quan điều tra kết luận, bác sĩ đã vi phạm các quy định về khám chữa bệnh thì gia đình bệnh nhân tử vong có quyền yêu cầu bệnh viện phải bồi thường thiệt hại.
“Căn cứ Điều 618, Bộ luật Dân sự về bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra thì cơ sở này phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao.
Sau khi đã bồi thường thiệt hại, cơ quan đó có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”, luật sư Tuấn Anh nói.
 
Các khả năng suy diễn:
- Có 2 người “lạ” tham gia kíp mổ
- Thuốc dùng cho trường hợp khác ko sao
- Sao ca 1 sốc thuốc mà ca 2 vẫn dùng thuốc đó
 
Những điểm thuận lợi:
- Giới đồng nghiệp y khoa trả lời đúng mực, không “tấn công” đồng nghiệp: PGS. Nguyễn Gia Bình cho biết, chi phí thuốc cấp cứu sốc phản vệ không đắt, nhưng quan trọng là thời gian cấp cứu kịp thời. Tuy nhiên, có những trường hợp bệnh nhân bị sốc phản vệ do dị ứng với thuốc gây mê, nhân viên y tế chưa kịp can thiệp thì đã xảy ra sự việc đáng tiếc.
- Nhiều báo đưa tin khách quan, không bình luận và suy diễn.
- Phản ứng của cơ quan quản lý ngành kịp thời, phù hợp
 
Bình luận về phản ứng của BV Trí Đức
- Giữ một sự kiên nhẫn “kiệm lời” khôn ngoan trong tình huống này là phù hợp để tránh gây ra các tranh luận hoặc hiểu nhầm khiến vụ việc bị đẩy lên mức cao hơn.
- Tuy nhiên, nếu đúng như thông tin báo chí đưa, BV Trí Đức gặp người nhà nạn nhân để “thỏa tthuận bồi thường” là một thỏa hiệp không phù hợp về nhiều khía cạnh. Nhưng tôi nghĩ, có thể, việc BV gặp người nhà nạn nhân đã bị báo chí tường thuật lại không đúng bản chất hoặc có thể người nhà nạn nhân đã nói với báo chí theo cảm xúc của họ. "Ông Hoàng Văn Chiến cho biết, chiều tối ngày 26/12, đại diện Bệnh viện Đa khoa Trí Đức đã gặp gỡ gia đình để xin lỗi và đặt vấn đề bồi thường. Tuy nhiên, chúng tôi kiên quyết không đồng ý."
- Các thông điệp mà BV nên luôn luôn nhất quán trong trường hợp này với gia đình nạn nhân phải xoay quanh các từ khóa “Rất tiếc”, “Sự cố không mong đợi liên quan đến sốc phản vệ”, “Chúng tôi đã nỗ lực hết sức”.
- Đừng bao giờ đưa các phát ngôn “tự kết luận” mình đúng, vì có thể sẽ kích động cảm xúc giận dữ của đám đông và bị báo chí khai thác. Hãy kiên trì nói “chúng tôi sẵn sàng cung cấp mọi thông tin cho đoàn kiểm tra”.
 
Nói thêm:
- Xử lý khủng hoảng là sự chuyên nghiệp trong phản ứng với truyền thông ở những hoàn cảnh đặc biệt.
- Nhưng Ứng xử là chuyện lâu dài, căn cơ. Tấm lòng và trái tim bác sĩ dành cho bệnh nhân là nền tảng. Status chia sẻ của bác sĩ trong cuộc đã chuyển cho công chúng thông điệp quan trọng của Ứng xử "Chúng tôi không đứng ngoài nỗi đau của gia đình nạn nhân.
 
TS Huỳnh Văn Thông
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team