linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

Quản lý nguy cơ: Tại sao chúng ta cần phải quan tâm?

Điều đầu tiên trong bài viết mình mong muốn thông qua bức ảnh bên dưới để chia sẻ với mọi người rằng: mỗi một cá nhân trong chúng ta đang công tác tại một đơn vị y tế bất kỳ điều phải mang trên mình đầy rẫy những nguy cơ. Thao tác công việc chúng ta mỗi ngày phải trải qua giống như một người đang đi dây trên không trong bức ảnh. Việc chúng ta làm sao để chúng ta nhìn thấy, đối mặt, xử lý và kiểm soát nguy cơ giống như việc người nghệ sỹ xiếc làm sao giữ được thăng bằng và có một màn trình diễn hoàn hảo mà không bị một tổn thương hay nguy hại nào. Vì vậy trước tiên chúng ta cần có cái nhìn sơ khởi về vấn đề nguy cơ/rủi ro trong môi trường y tế trên thế giới và Việt Nam hiện nay.
Nguy cơ là là xác suất/khả năng gây ra thiệt hại, thương tật, tổn thất trách nhiệm pháp lý gây ra bởi các lỗ hổng và có thể tránh được thông qua hành động ngăn ngừa. Tương tác của con người với hệ thống y tế gây ra một mối đe dọa nghiêm trọng chủ yếu là do; các máy móc, công nghệ phức tạp; thao tác, thủ tục, quy trình phức tạp; nhu cầu cao về dịch vụ; áp lực thời gian; kỳ vọng cao từ người sử dụng dịch vụ; tính chất cấp bậc theo chuyên môn, đào tạo và trách nhiệm....Tổ chức Y tế Thế giới ước tính cho thấy ở các nước phát triển có tới 1 trên 10 bệnh nhân phải chịu các mối nguy hại/tổn thương khi đang được chăm sóc tại bệnh viện. 
 
 
Theo báo cáo của AHRQ năm 2013, tỷ lệ người bệnh chịu các thiệt hại liên quan đến thời gian nằm viện ở các bệnh viện ở Mỹ là 25,1 trên 100 lượt nhập viện. Những vấn đề mà người bệnh gặp phải phổ biến là: các trường hợp nhiễm trùng đường tiểu liên quan, té ngã, loét tỳ đè, nhiễm trùng phẫu thuật, thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch và viêm phổi liên quan đến thở máy.. Theo Báo cáo của IHI-Hoa Kỳ, các sai sót sự cố đã trở thành nguyên nhân tử vong hàng thứ ba ở Hoa Kỳ mỗi năm, sau ung thư và bệnh tim mạch. Mức độ nguy hại 13,5 phần trăm đã được Văn phòng Tổng Thanh tra Hoa Kỳ xác định trong quần thể những người được chăm sóc y tế .
 
Trở lại bức tranh về nguy cơ và quản lý nguy cơ ở Việt Nam, thực trạng vấn đề này được nhìn nhận như thế nào? Đây là một câu hỏi chưa có một lời giải đáp thật rõ ràng. Cá nhân mình chưa tìm được một nghiên cứu/khảo sát chính thống nào mô tả phản ánh về thực trạng sai sót y khoa và quản lý nguy cơ trên quy mô quốc gia ở nước ta (ngoại trừ một số nghiên cứu tổng hợp dành cho khu vực ASEAN hoặc báo cáo thường niên của WHO). Điều đáng buồn thay là chúng ta chỉ thấy tần số dày đặc của hàng ngàn câu chuyện “không mong muốn” liên quan đến ngành y tế trong thời gian trở lại đây. Những cụm từ: “bác sỹ tắc trách, bác sỹ làm chết người bệnh, người bệnh kiện bệnh viện đòi bồi thường, bác sỹ bị hành hung, nhân viên y tế thiếu y đức, sản phụ tử vong do bác sỹ, cưa nhầm chân bệnh nhân, bệnh nhân tử vong do sốc, điều dưỡng vô tư bấm điện thoại, bác sỹ gác chân lên bàn, hàng loạt bệnh nhân tử vong do sự cố”…. xuất hiện một cách vô tội vạ trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Chúng ta chưa bàn đến tính đúng sai hay hệ lụy tác động của những câu chuyện nêu trên. Nhưng chúng ta thử bàn đến việc chúng ta nên làm gì, phải làm gì và đã làm gì rồi đã học được gì từ sau nhưng sự vụ đáng buồn đó chưa? Hay tất cả bùng phát như một quả bom nguyên tử nhưng rồi chìm vào quên lãng hoặc biến mất không một dấu vết và chỉ để lại vết hằn cho những người trong cuộc. Một hoạt động quản lý nguy cơ hiệu quả sẽ là một câu trả lời thích đáng bởi nó giúp chúng ta tìm ra, phòng tránh, đối mặt, ứng phó và học tập từ những sự cố sai sót đáng tiếc trong thao tác công việc hằng ngày của chính chúng ta. Mặc dù, các bệnh viện đã và đang cố gắng triển khai các chương trình hoạt động liên quan đến quản lý nguy cơ. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế và vấn đề mà chúng ta đang phải đối diện.
 
Thứ nhất, mặc dù các nguyên nhân cơ bản của các sự cố sai sót được nhận định là: vấn đề do giao tiếp, dòng thông tin không phù hợp, vấn đề từ con người, các chính sách và thủ tục không đầy đủ và các lỗi kỹ thuật khác. Tuy nhiên, các cuộc điều tra về sai sót sự cố thường xuyên chấm dứt bằng việc xác định lỗi của con người và chỉ định buộc tội người thao tác công việc đó là "nguyên nhân" của sai sót sự cố. Những kết luận mang tính chất “oan sai” này được thực hiện mà không có bất kỳ đánh giá của hệ thống hoặc các quá trình có thể đã góp phần gây ra lỗi.
 
Thứ hai, hãy cùng xem qua 10 vấn đề hạn chế liên quan đến quản lý nguy cơ mà chúng ta đang đối diện: 
 
(1) Chúng ta xử lý sai sót sự cố như việc chúng ta đang hoàn thành một bảng checklist một cách thụ động 
(2) Chúng ta chưa nhìn nhận vấn đề tổng thể thay vì chỉ chăm chăm vào cái gì liên quan trước mắt trong sai sót sự cố. 
(3) Chúng ta đang đi đánh giá chung chung theo kiểu định tính hơn là định lượng rõ ràng, chỉ biết rằng chưa đúng, chưa tốt, mà chưa nhận định là bao nhiêu phần trăm sai sót do quy trình, mức nguy cơ cảnh báo là bao nhiêu điểm, khả năng lặp lại sai sót này là bao nhiêu?
(4) Thiếu tính chuyên môn sâu trong một vấn đề được đánh giá. Đôi khi nhìn nhận sai sót ở góc độ chuyên môn chung, thậm chí nhìn nhận bởi những người không có kinh nghiệm thực hành, thực tế về lĩnh vực xảy ra sai sót. 
(5) Thiếu sự theo dõi giám sát xuyên suốt liên tục. Đôi khi chúng ta đơn giản nghĩ rằng việc quản lý các sự cố định kỳ hằng tháng, hằng quý trong khi nó là một chu trình liên tục không ngơi nghỉ. 
(6) Lổ hỗng liên quan đến vấn đề nguồn lực bị mất và cần có. Chúng ta không gắn được là đối với một sự cố chúng ta đã mất mát như thế nào, chi phí tổn thất ra sao? Để giải quyết chúng ta cần nguồn lực như thế nào? 
(7) Vấn đề pháp lý. Sai sót sự có này liên quan/vi phạm những quy định nào của bệnh viện hoặc pháp luật quốc gia. Cần căn cứ vào những văn bản pháp lý nào để xử lý? 
(8) Thiếu nguồn dữ liệu, tài nguyên để đánh giá một sai sót sự cố, để học tập từ những sự cố đã xảy ra. 
(9) Sai sót sự cố đều do một chủ thế nhất định. Thường chúng ta chỉ mổ xẻ được là do con người hoặc máy móc mà chúng ta chưa mổ xẻ được khía cạnh nào do con người, cái gì xung quanh con người góp phần gián tiếp trực tiếp gây ra. 
(10) Văn hóa nhận thức về tầm quan trọng của quản lý nguy cơ và trách nhiệm của mỗi người. Chúng ta chưa xây dựng được ý thức mỗi người là một nhân tố, một mắc xích trong tiến trình quản lý nguy cơ, việc quản lý nguy cơ là để bảo vệ từng chính cá nhân của mỗi người.
 
Bên cạnh đó, sự nhìn nhận tầm quan trọng về quản lý nguy cơ của các nhà quản lý/lãnh đạo về cần được cải thiện. Chúng ta cần quan tâm vấn đề ở góc độ hệ thống hơn là vấn đề từ cá nhân. Chúng ta cần đòi hỏi những phân tích sâu các mối quan tâm về an toàn, thay thế các hành động khiển trách, trừng phạt với những sai lầm trong môi trường cởi mở và chủ động giải quyết mọi rủi ro. Chúng ta khuyến khích những sai lầm được mổ xẻ và phân tích hơn là che giấu và chôn vùi. Xa hơn nữa chúng ta cần xây dựng một văn hóa về quản lý nguy cơ trong môi trường bệnh viện. Mỗi một nhân viên bệnh viện cần được trang bị và xây dựng ý thức mình phải làm sao để đi trên một dây thừng mảnh vắt qua một cái vực sâu một cách an toàn nhất.
 
Dẫu biết rằng còn rất rất nhiều những khó khăn như: cơ chế pháp lý của nước ta liên quan đến vấn đề sai sót y khoa, các quy định quy trình, nhận thức của các bệnh nhân và nhân viên bệnh viện,… Nhưng cá nhân mình tin nếu chúng ta bắt đầu xác định một đường hướng rõ ràng trong việc quản lý nguy cơ thì dù là chỉ thay đổi chậm chạp từng chút một, nhưng kiến tha lâu cũng đầy tổ. Rồi chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng một hệ thống y tế an toàn, chất lượng cho chính chúng ta, người thân chúng ta và tất cả mọi người một ngày không xa.
 
Đôi dòng chia sẻ với các Anh Chị Em trong giới hạn kiến thức hạn hẹp và quan điểm cá nhân mình. Hy vọng sẽ có dịp chia sẻ nhiều hơn với các Anh Chị Em. Nếu có vấn đề nào liên quan đến bài viết hoặc liên quan đến chủ đề quản lý nguy cơ rất mong nhận được ý kiến, câu hỏi bình luận của mọi người dưới bài viết này. Cả nhà có thể tải thêm một bài viết khác của mình về tổng quan quản lý nguy cơ trong bệnh viện theo link sau: https://drive.google.com/…/0B5aCViKHBUM4UElpNzgxQlJLZ…/view… 
 
Chúc cả nhà một tuần làm việc thật vui và hiệu quả. Hẹn sớm gặp các Anh Chị Em đồng nghiệp trong hội thảo về QUẢN LÝ NGUY CƠ vào ngày 15.10 tới tại bệnh viện Trưng Vương.
 
Trân trọng
Nguyễn Quang Vinh
 
Một số tài liệu tham khảo có sử dụng trong bài viết, mọi người có thể đọc thêm.
1. World Health Organization [Internet]. 10 facts on patient safety, 2014. [updated 2014 Jun; cited 2016 Jan 15]. Available from: http://www.who.int/features/factfiles/patient_safety/en/.
2. Agency for Healthcare Research and Quality [Internet]. National healthcare disparities report 2013. [cited 2016 Jan 15]. Available from: http://www.ahrq.gov/resea…/findings/nhqrdr/nhdr13/chap4.html.
3. Institute for healthcare improvement [Internet]. Patient safety. [cited 2016 Jan 16]. Available from: http://www.ihi.org/PatientSafety.
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team