linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

ĐÁNH GIÁ TÉ NGÃ CÓ CẦN THIẾT?

#chiasetuNhatBan
Bài chia sẻ số 24
 
- Ngã có phải là sự cố y tế không?
 
- Bệnh viện anh chị có bảng mẫu đánh giá té ngã không?
 
-Anh chị suy nghĩ như thế nào về đánh giá té ngã?
 
✍️ Kinh nghiệm trong quá trình làm việc tại Nhật
 
Trong suốt hơn 15 năm làm việc tại bệnh viện ở Nhật, mình cũng phải làm ca đêm nhiều. Nếu hỏi có thích làm đêm không thì có thể nói là sau khi có con sẽ không thích nhưng hồi trẻ thì ngược lại. Hồi ấy mình thường làm 6 buổi ca đêm và 8-9 buổi ca ngày và thấy làm đêm rất thoải mái. Làm đêm là ít phải tiếp xúc với nhiều đồng nghiệp, Ít phải tất bật với đủ các loại xét nghiệm, thủ thuật, có thể tự do lo liệu theo cách của riêng mình và hơn thế nữa trợ cấp làm đêm giúp có thêm đồng ra đồng vào tiêu sài. Trẻ, khỏe, thời gian ban ngày có thể tự do làm mọi việc mình thích. Có lần tan ca trực lái xe ra bãi biển tắm và chơi, nghỉ ngơi, đi tắm suối nước nóng thư giãn. Đi thư viện, đến lớp talk tiếng anh chuyện phiếm với mấy anh Mỹ, Canada nên thời gian mà thiên hạ đi làm thì mình lại ung dung, làm việc mình thích.
 
😀 Tuy nhiên làm đêm cũng sẽ có những mặt yếu và vất vả trong đó có việc dính phải ngày bệnh nhân nhập viện buổi đêm liên tiếp. Điều này phụ thuộc vào ngày đó có phải là ngày mà bệnh viện đến lượt luân phiên tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu hay không. Nói 1 cách dễ hiểu thì sẽ như thế này: nếu là bệnh viện cấp 3 thì khoa cấp cứu luôn sáng đèn 24 giờ, nhưng nếu là bệnh viện cấp độ 2 thì các bệnh viện sẽ luân phiên tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu buổi đêm theo lịch trong tháng. Có nghĩa là nếu đúng ngày đến lịch tiếp nhận cấp cứu thì có những đêm tiếp nhận 3-4 bệnh nhân cấp cứu, rồi nhập viện. Mình lại hay làm ở các khoa phụ trách nhập viện buổi đêm, thế nên cứ đón người bệnh nhập viện sẽ đi toi cả giờ nghỉ, coi như đêm đó thức trắng.
 
😀 Ngoài ra còn có những nguyên nhân khác dẫn đến không được chợp mắt tí xíu khi trực đêm đó là những khi có người bệnh bị ngã trong ca trực đêm. Chứng kiến người bệnh bị ngã rồi gãy xương, đặc biệt là các cụ già mà gẫy xương háng thì quả thật rất rất nghiêm trọng. Hay nếu ngã đập đầu thì kể cả giữa đêm cũng có thể sẽ cho chụp CT ngay. Không thiếu những ca kiện tụng liên quan đến té ngã của người bệnh. Ở Viện Nhật không mấy khi phải cân nhắc chi phí cho từng xét nghiệm của người bệnh, bác sĩ đánh giá cần thiết là có thể cho chụp chiếu, điều này sướng hơn BV ở VN rất nhiều. Khi có bệnh nhân té ngã thì sau ca trực điều dưỡng phải ở lại viết báo cáo, nghĩ phương án giải pháp giúp cải thiện tái phát. Thật tình thì việc viết báo cáo là một điều chả có gì thú vị, tuy nhiên không thể phủ nhận nhờ việc viết báo cáo và chia sẻ thông tin là cơ hội tạo điều kiện để nhân viên tự nhận thức nâng cao nghiệp vụ và cố gắng hơn để không có những tai nạn nghiêm trọng, giảm dần những rủi ro té ngã cho người bệnh. Qua nhiều năm mình cũng thấy bản đánh giá té ngã đã được hệ thống và mẫu đánh giá cũng rõ và dễ hiểu hơn trước (ở Nhật sẽ là rơi, té ngã: có lẽ do dân số già nên các cụ rơi từ trên giường xuống nó cũng nguy hiểm ngang với việc té ngã).
 
✍️ Tuổi thọ của Nhật đứng top thế giới với tuổi thọ trung bình rất cao; 86 tuổi đối với cụ bà, 81 tuổi đối với cụ ông: điều đó đủ hiểu là trong viện toàn các cụ già. Có thể nói 1 sự thật là y tế Nhật đã kéo dài tuổi thọ của toàn dân lên vài tuổi là đúng. Những năm cuối đời của các cụ thì thời gian nhập viện, lặp đi lặp lại việc nhập viện và thậm chí sống ở bệnh viện không phải là hiếm. Không ăn được thì đặt ống thông dạ dày, không được nữa thì dùng truyền dinh dưỡng liều cao qua tĩnh mạch trung tâm. Không thở được thì cắm máy thở, thận hư thì chạy thận…đủ các loại can thiệp hỗ trợ giúp kéo dài cuộc sống nhưng sống thế nào lại là một phạm trù khác. Có nhiều trăn trở để định nghĩa thế nào là hạnh phúc ở tuổi già, nên thế nào cho tốt khi trực tiếp làm việc ở nơi quá hiện đại, tiện nghi như ở Nhật. Trong bệnh viện sẽ cần xác nhận với hầu hết người bệnh đặc biệt là người cao tuổi về việc nếu có thay đổi cần cấp cứu thì có cho dùng máy thở không? Có can thiệp để kéo dài sự sống không? Bởi lẽ lỡ cho dùng máy thở rồi thì theo luật không rút được nên cần cân nhắc kỹ và nói chung cách suy nghĩ và cách giải thích của bác sĩ ảnh hưởng nhiều đến quyết định của người bệnh và gia đình họ. Chắc sẽ viết thêm ở một bài khác.
 
Trở lại với chủ đề té ngã.
 
Thông thường khi nhập viện tất cả người bệnh đều được đánh giá nguy cơ ngã qua 10 mục chính để đánh giá mức độ nguy cơ té ngã ra sao cụ thể như:
 
Độ tuổi, tiền sử bệnh, chức năng giác quan, chức năng vận động, vùng hoạt động, khả năng nhận thức, yếu tố môi trường, ảnh hưởng thuốc, vệ sinh và gọi chuông điều dưỡng. Mỗi hạng mục sẽ được chấm điểm để đánh giá người bệnh đó thuộc mức nào, và có phân cấp theo 3 mức độ.
 
👉 Nguy hiểm độ I (0 ~ 5 điểm) …  Có khả năng bị ngã
 
👉 Nguy hiểm độ II (6 ~ 15 điểm) …   Có rủi ro rơi, ngã
 
👉 Nguy hiểm độ III(trên 16 điểm) …  Hay bị rơi, ngã
 
Đánh giá có cần thiết không?
 
Mình nghĩ là cần thiết. Tại nhật 100% người bệnh sẽ được đánh giá lần đầu vào ngày nhập viện, và sau đó điều dưỡng phụ trách chỉ định lại ngày tái đánh giá. Khi có thay đổi trong khi nhập viện cũng sẽ đánh giá để đưa ra các giải pháp phù hợp.
 
😊 Sau khi đánh giá điều dưỡng làm gì?
👉 Chia sẻ thông tin với các điều dưỡng và ở khoa khác với bác sĩ phụ trách.
 
👉 Giải thích với người bệnh và người nhà của họ, để bệnh nhân họ hiểu và cộng tác chú ý, người nhà cũng sẽ thông cảm nếu lỡ có bị ngã.
 
👉 Đi tìm giải pháp: cụ thể sẽ tùy thuộc vào mục chấm điểm nhưng có thể kể ra là:
 
- Điều chỉnh để bệnh nhân ở gần phòng điều dưỡng
- Điều chỉnh thời gian uống thuốc lợi tiểu, thời gian truyền dịch buổi đêm thậm chí không truyền buổi đêm.
- Đặt toilet di động hay hỗ trợ để người bệnh tiểu buổi đêm ở cạnh giường
- Đặt tấm thảm cảm ứng ở cạnh giường với bệnh nhân lẫn
- Bỏ giường để bệnh nhân nằm nệm để trên sàn nhà.
- Hướng dẫn bệnh nhân sử dụng giày đế nhẹ có chống trượt loại hay dùng khi hồi phục chức năng
- …
- Cuối cùng quan trọng hơn cả là mỗi điều dưỡng hay nhân viên chăm sóc đều ý thức là bệnh nhân nào có khả năng té ngã cao để cùng hỗ trợ phòng tránh. Vì thế việc chia sẻ thông tin, giải thích hướng dẫn người bệnh là việc vô cùng quan trọng.
 
+ Bệnh viện anh chị có đánh giá té ngã không?

+ Có biểu mẫu triển khai đánh giá té ngã không?

+ Đã hướng dẫn nhân viên thực hiện hay giải thích với người bệnh không?
 
🥰 Xin phép chia sẻ biểu mẫu mà qua nhiều năm Nhật cải tiến và “chốt hạ không còn thay đổi” vào thời gian gần đây. Hàng năm Nhật vẫn có những buổi chia sẻ thông tin những ca té ngã và cả kiện tụng về vấn đề này. Mỗi chúng ta khi làm công việc liên quan đến tính mạng con người hãy cố gắng ý thức để phòng tránh rủi roc ho người bệnh. Mỗi cải tiến nhỏ đều giúp ích ai đó và dần dần “góp gió thành bão”. 
 
🥰 Tham khảo biểu mẫu để có hướng cải tiến và đưa vào ứng dụng phù hợp. Rồi cũng đến lúc BV VN triển khai chăm sóc toàn diện, cũng vướng vào kiện tụng hay bị người nhà khiếu nại về té ngã. Những gì diễn ra tại nhật 20-30 năm sẽ lặp lại ở Việt Nam.
 
Anh chị có thể tải biểu mẫu đánh giá té ngã dùng trong bệnh viện Nhật để tham khảo theo link
 
🥰 Nghe tin Việt Nam gần đây đã không có ca nhiễm trong công đồng. Nhưng nói thiệt là Mình thấy VN cách ly có 1 không hai, bởi lẽ hệ thống y tế của chúng ta còn quá yếu hay chưa đủ mạnh để có thể chống lại khi có nhiều ca lây nhiễm.
 
😀 Nhật bản đã có thủ tướng mới bác SUGA để dễ nhớ gọi là bác ĐƯỜNG (SUGA tiếng anh Sugar), tuy bác chỉ xuất thân từ 1 gia đình làm nông nghiệp nhưng có ý chí làm việc lớn và cứ thẳng tiến theo ý chí ấy. Nghĩ thế em tự hỏi mình sẽ làm được gì trong thời gian tới! Hiện tại cứ như chú kiến miệt mài lao động, cần cù từng giờ, từng ngày và rồi cảm nhận lao động là hạnh phúc. Được thực hiện ước mơ và đang được trải nghiệm hành trình đi trên con đường hướng tới: có trăn trở, có khó khăn, có thách thức và may mắn có duyên gặp được nhiều người giỏi, cảm nhận được hạnh phúc. Mục đích là mang được nhiều giá trị đến cho cuộc sống của bản thân của gia đình, của xã hội.
 
Chúc anh chị một cuối tuần vui vẻ.
 
Tokyo trời đã sang thu.
19/09/2020 Hayashi Huệ
 
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team