linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

KỲ 7: CHUYÊN ĐỀ CẢI TIẾN CHẤT LƯỢNG TẠI NHẬT

Kỳ 7: OMOTENASHI - TẬN TÂM VỚI NGƯỜI HIẾN MÁU NHÂN ĐẠO

 Như bài chia sẻ lần trước sau sự vụ truyền máu gây viêm gan cho đại sứ Hoa kỳ 1964, Nhật đã thực sự vào cuộc “cải tiến an toàn trong truyền máu”. JAPANESE RED CROSS SOCIETY là đơn vị duy nhất được phép chỉ đạo, kết hợp sản xuất, phát triển máu và chế phẩm máu tại Nhật.

 
Cần OMOTENASHI tận tâm với người hiến máu.
 
Chúng ta luôn cần tới máu để cứu người bệnh, nguồn máu nhân đạo dần được phát triển rộng. Nhưng liệu chúng ta có để ý tới việc nâng cao, cải tiến dịch vụ tới người hiến máu hay không. Đó là con đường cần tối thiểu phải làm để dần đảm bảo được nguồn máu “an toàn”. Hướng dẫn quy trình trước lấy máu, làm test thiếu máu, nhóm máu, các tiêu chuẩn để đánh giá hiến máu, trước, sau khi lấy máu đã được xây dựng và chuẩn hóa chưa. Nhật đã có hướng dẫn mỉ mỷ dễ hiêu và rất khoa học, luôn đảm bảo an toàn cho người hiến máu tình nguyện bao gồm bảng câu hỏi, tờ rơi, video... Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu hệ thống này cụ thể thế nào.
 
Hiến máu tại Nhật
 
Với hệ thống 47 trung tâm (tương đương mỗi tỉnh có 1 trung tâm) là các chi nhánh của JAPANESE RED CROSS SOCIETY, tại đây thực hiện xét nghiệm, bảo quản máu. Trên các trung tâm là các Block; cả nước phân bố thành 7 Block cung cấp máu và chế phẩm theo vùng cho các cơ sở y tế. Máu 100% nhờ vào máu hiến nhân đạo và được thu thập qua 2 hình thức.
 
   - Hiến máu tại phòng hiến máu
 
   - Hiến máu từ xe Bus hiến máu
 
Tiền vận hành dự án hiến máu nhân đạo.
 
Tại Nhật mỗi đơn vị máu bán ra giá không hề rẻ, người cần truyền máu sẽ chi trả theo mức bảo hiểm của cá nhân, giá cụ thể trước bảo hiểm như sau.
 
   - 2 đơn vị của chế phẩm hồng cầu có giá khoảng 4 triệu VND
 
   - 10 đơn vị chế phẩm tiểu cầu có giá 17 triệu VND
 
   - 2 đơn vị chế phẩm huyết tương có giá khoảng 4 triệu VND
 
Tiền thu được đều sử dụng để phụ vụ cho dự án máu như: trả lương nhân lực, duy trì hệ thống thu thập máu hiến an toàn, tiến hành các xét nghiệm, nghiên cứu cần thiết để nâng cao chất lượng truyền máu.
 
   - Phòng hiến máu bao phủ một hệ thống các phòng hiến máu dày đặc, tiện lợi và thường đặt ở ngay ga lớn, sạch sẽ và có nhiều trang trí theo những chủ đề khác nhau; hiện đại có, sang trọng có, dễ thương cũng có.
 
   - Ngoài phòng hiến máu có xe Bus hiến máu được trang bị tiện lợi và hiện đại. Mỗi xe có 4-5 giường đủ công suất lấy máu của 60 người / một ngày. Các xe bus này thường xuyên đến các trường học các cấp, công ty hay các nơi cần phù hợp để tiến hành thu thập máu hiến nhân đạo.
 
Trường học ở Nhật có rất nhiều dịp để phụ huynh tới trường, mình cũng từng hiến máu ở trường cấp 1 của con gái ở tại xe bus đậu tại sân trường. Quy trình hỏi, thăm khám làm xét nghiệm trước khi hiến máu rất chi tiết và kỹ lưỡng. Tiêu chuẩn để có thể hiến máu cụ thể ra sao mình sẽ chia sẻ ở một dịp khác. Chỉ chốt lại rằng bạn phải thực sự khỏe mạnh mới có thể hiến máu.
 
Câu hỏi trước khi hiến máu: Hỏi về bệnh, thuốc, tình trạng sức khỏe là điều dễ hiểu ngoài ra còn có những câu hỏi khá tế nhị như hỏi vấn đề quan hệ tình dục gần đây có đủ an toàn không? cụ thể như
 
   - Có quan hệ tình dục với người khác giới mới hoặc không rõ về người khác giới không.
 
   - Có quan hệ tình dục đồng tính nam không.
 
   - Đã sử dụng ma túy, chất kích thích gây nghiện.
 
   - Kết quả kiểm tra dương tính với virus HIV không ( bao gồm cả 6 tháng trước)
 
   - Có quan hệ tình dục với những người ở trường hợp trên không.
 
Ở VN các câu hỏi có kèm mục này không ạ? các anh chị là nvyt khi hiến máu cùng để ý vấn đề này nhé.
 
Cụ thể trong hướng dẫn tới người hiến máu
 
Mình đã dịch, tổng hợp biên tập lại một quy trình hướng dẫn thiết cụ thể tại Nhật như sau
 
1. Đăng ký tại quần hiến máu
 
2. Điền các thông tin cần thiết
 
3. Hỏi về sức khỏe, đo huyết áp
 
4. Xét nghiệm, xác nhận nhóm máu, Hemoglobin đánh giá thiếu máu
 
5. Bắt đầu lấy máu (bổ xung nước, đồ ăn nhẹ)
 
6. Nghỉ ngơi sau lấy máu
 
7. Nhận thẻ hiến máu giải thích về thẻ
 
8. Lưu ý sau hiến máu
 
Ở mỗi mục sẽ có thêm file giải thích có kèm nhiều hình minh họa dễ hiểu. Tất cả quy trình đều rất rõ, khoa học với mục đich đảm bảo có được nguồn máu chất lượng an toàn, đồng thời đảm bảo an toàn với cả người hiến máu. Mình lướt xem trang web của một số trung tâm của các tỉnh và thích phong các sử dụng hình ảnh minh họa truyện tranh (phần số 8 là mình biên tập hình ảnh để mọi người dễ hiểu).
 
Có nơi trong quy trình hướng dẫn có sử dụng ảnh thật chụp trong quy trình từ bắt đầu tới kết thúc. Mỗi tỉnh một trung tâm và có 1 sắc thái riêng trong trình bày nhưng mình nhận thấy nét tương đồng là các hướng dẫn rất OMOTENASHI theo chuẩn của JAPANESE RED CROSS SOCIETY.
Các trung tâm, bệnh viện lớn đã có làm quy trình hướng dẫn chưa?
Có cải tiến hướng dẫn quy trình không ?
 
Có đánh giá nhận định độ thiết thực và dễ hiểu, an toàn cho người hiến máu chưa?
 
Suy ngẫm
 
Mình trước đây đã từng hiến máu cả ở phòng hiến máu và xe hiến máu, đã rất mong các bệnh viện lớn của VN cũng sẽ sớm có một quy trình hay một hệ thống chuẩn cho hiến máu. Khi nghe chia sẻ ở những BV lớn như BV Huyết học hay BV Hữu nghị Việt Đức nơi luôn luôn cần máu và đặc biệt thiếu những dịp nghỉ lễ, tết, nghỉ dài. Dự án máu chắc còn rất nhiều thứ khó khăn nhưng ở cấp độ cá nhân, phòng ban hãy thực hiện những việc trong tầm tay ví dụ cải tiến lại quy trình hướng dẫn thật OMOTENASHI tới người hiến máu chẳng hạn.
 
Hiến máu nhân đạo là sự chia sẻ sức khỏe với cộng đồng, vô cùng nhân văn nhưng sẽ đến lúc chúng ta cũng cần ý thức về AN TOÀN. Từ sự thật tại Nhật những năm 1960 có tới 50% người truyền máu đã mắc viêm gan thì nay tỷ lệ đó chỉ còn dưới 0.001% đủ hiểu Nhật đã nỗ lực cải tiến để có được máu an toàn, quy trình truyền máu an toàn. Tuy rằng sai sót từ truyền máu vẫn có, vẫn có trường hợp đáng tiếc có phản ứng phụ và tử vong sau truyền trong đó có cả những trường hợp do nguồn máu bị nhiễm khuẩn. Ví dụ mỗi năm tại Nhật có khoảng 5ca báo cáo về máu có khuẩn được phát hiện trước khi truyền.
 
Tỷ lệ lây nhiễm từ truyền máu của VN chắc chắn còn cần cải tiến, một phần chính nvyt người thường xuyên đi hiến cũng nên nắm được tiêu chuẩn đề hiến máu an toàn cho bản thân và người bệnh. Mình sẽ chia sẻ về tiêu chuẩn này tại Nhật.
 
Tự bảo vệ mình bảo vệ nb khi thực thi truyền máu: Nhân viên y tế chúng ta đặc biệt là nhân viên xét nghiệm, điều dưỡng người trực tiếp quan sát máu và chế phẩm trước khi truyền sẽ là người “có thể là duy nhất” phát hiện được bất thường của bịch máu. Cố gắng thu thập kiến thức, cập nhật thông tin, tuân thủ quy trình để thực thi vì AN TOÀN CỦA NGƯỜI BỆNH. Mỗi quy trình đặt ra đều có lý do mà cần tuân thủ. Nếu cần cải tiến nên đề xuất sửa đổi, tạo dựng văn hóa cải tiến để ngày càng DỄ LÀM VIỆC HƠN.
 
Hẹn sẽ chia sẻ thêm về các vấn đề liên quan vấn đề này cũng như nhiều vấn đề khác ở mảng cải tiến chất lượng tại Nhật
 
Tokyo mùa ANH ĐÀO NỞ RỘ
26/03/2021 
Hayashi Huệ
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team