linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

Nếu so sánh, hãy so sánh công bằng.

Gần đây có rất nhiều than phiền về ngành y, và những ca “mắc lỗi” được đưa lên mặt báo cho dư luận mổ xẻ. Rất nhiều ý kiến thất vọng về tay nghề, kinh nghiệm của nhân viên y tế, và cũng có rất nhiều những đánh giá vô thưởng vô phạt như “không có y đức”, “phải có tiền trao”, “học cho có” và những lời lẽ khác rất không lọt tai cho những trường hợp này. Dĩ nhiên, nhìn vào dư luận, thật sự thấy có sự mất niềm tin lớn vào ngành y tế Việt Nam.
Nguyên nhân vì sao, có thể khó có câu trả lời đơn giản. Nhìn sâu vào, có thể thấy sự so sánh với nền y tế của các nước phát triển, và không hiếm gặp những câu như “phải chi ở……thì không xảy ra chuyện này”, hoặc “tại ở Việt Nam mới có chuyện….xảy ra”. Thiển ý cá nhân, sự so sánh ngầm này là một trong những nguyên nhân tạo nên sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa dân số điều trị và nhân viên y tế như thế. Việc so sánh là một việc nên làm, nhưng khi so sánh, chúng ta nên so sánh một cách công bằng và song phẳng, với thông tin và số liệu, chứ không nên áp đặt như một sự hiển nhiên. 
 
Vậy thật sự, nhân viên y tế ở các nước phát triển như thế nào nhỉ? Họ có “tốt hơn” hay “xấu bằng” nhân viên y tế Việt Nam không? Thật sự họ có tiến bộ đến mức chữa 10 ca hết 10 ca một cách hoàn hảo hay không? Họ có thần thánh, là mẹ hiền, và không bao giờ phạm lỗi hay không? Chúng ta hãy làm một khảo sát cơ bản nhất tại Mỹ, trên Bác sĩ Google, vào những lỗi hot nhất hiện nay: 
1. Phẫu thuật sai vị trí, i.e “wrong site surgery” : Khảo sát của Patient Safety Network (Mạng lưới an toàn bệnh nhân) của Mỹ cho thấy tỉ lệ phẫu thuật sai vị trí, sai bên (vd tay trái thành tay phải), sai bệnh nhân tại Mỹ năm 2014 là khoảng 1 trong 112.000 ca phẫu thuật, tức là mỗi bệnh viện ở Mỹ cứ mỗi 5 đến 10 năm lại có thể có một sai sót nghiêm trọng như thế xảy ra. (http://psnet.ahrq.gov/primer.aspx?primerID=18)
 
2. Biến chứng nặng sau chích ngừa (bao gồm tử vong): Thống kê theo hệ thống báo cáo biến chứng sau chích ngừa của Mỹ VAERS cho năm 2014 cho thấy có 1244 trường hợp phải nhập viện và 122 ca tử vong sau chích ngừa, nhưng không cho thấy có mối lien hệ nhân-quả giữa vaccine được chích và những trường hợp phải nhập viện/tử vong. 
(http://www.politifact.com/punditfact/statements/2015/feb/03/bob-sears/what-cdc-statistics-say-about-vaccine-illnesses-in/)
 
3. Cho sai thuốc: thống kê của Mỹ cho thấy cho sai thuốc là lỗi thường gặp nhất trong những lỗi y khoa, nghiên cứu của FDA cho thấy trong năm 1993-1998 cho thấy việc cho sai thuốc chiếm khoảng 41% những lỗi y khoa nghiêm trọng gây tử vong. Nghiên cứu cũng cho thấy khoảng 1.3 triệu trường hợp bị ảnh hưởng bởi “lỗi y khoa” mỗi năm tại Mỹ. 
(http://www.medicinenet.com/script/main/art.asp?articlekey=55234)
 
Người ta cũng nghiên cứu và thấy rằng, có những yếu tố nguy cơ gây ra lỗi y khoa, bao gồm:
1. Nhân viên y tế bị mệt mỏi, stress, và phải làm nhiều việc cùng một lúc
2. Môi trường: ồn ào quá, không đủ nhân lực, văn hóa bệnh viện
3. Vấn đề về giao tiếp, truyền tải thong tin giữa nhân viên y tế và người bệnh, cũng như giữa các nhân viên y tế với nhau
4. Huấn luyện, học hỏi liên tục
5. Hỗ trợ team-work (làm việc theo tập thể)….
(http://www.hospitalimpact.org/index.php/2012/05/23/p4052)
(http://bja.oxfordjournals.org/content/105/1/52.full.pdf)
 
Thật sự, nếu bạn search “medical errors” ở bất kỳ nước nào, cũng sẽ cho ra những con số thống kê ngoài sức tưởng tượng. “Lỗi y khoa” gần như là một phần không thể tách rời trong thực hành y khoa (chẩn đoán và chăm sóc người bệnh), vì khi có con người, sẽ có “lỗi” xảy ra. Nhưng thay vì trách cứ, đỗ lỗi, và chì chiết cá nhân người nhân viên y tế, nên chấp nhận đó là một trong những việc “phải có” trong chăm sóc lâm sàng. Dĩ nhiên, chúng ta không nên chấp nhận hoàn toàn, mà nên từ những lỗi đã xảy ra, tìm hiểu những nguyên nhân tác động khách quan và chủ quan gây ra những lỗi này để cải thiện hệ thống và cố gắng giảm thiểu những sai sót tương tự xảy ra trong tương lại. Điều này xin dành cho những nhà quản lý y tế của các cơ sở, bệnh viện. Điều tôi muốn nói ở đây là nên có một cái nhìn khách quan và bao dung hơn cho những người chăm sóc sức khỏe của các bạn. Nếu các bạn đã từng đi các bệnh viện công, việc phải khám trên 100 ca bệnh ngoại trú một buổi, hay khám bệnh nội trú trên 20 ca một ngày, cùng môi trường làm việc như cái chợ là chuyện thường tình của những nhân viên y tế tại đây. Hãy đặt chân vào vị trí của những người này, rồi phán xét! 
 
Cũng hy vọng không còn phải nghe những câu như “bác sĩ giết người….”, “điều dưỡng giết người…” nữa, vì thật sự ở Việt Nam chưa có vụ này, nhưng ở Mỹ thì có rồi đó ạ! Đừng cầu mong việc này xảy ra ở Việt Nam!
 
Một sự thật cũng nên chấp nhân, và thay đổi nữa, là nhân viên y tế không bao giờ là mẹ hiền của các bạn. Chăm sóc y tế không bao giờ là một mối quan hệ chăm sóc mẹ- con. Tại Mỹ, chăm sóc y tế là “Medical Service”, có nghĩa là “dịch vụ y khoa” và bệnh nhân còn được gọi là “client” – khách hàng. Các bạn có quyền than phiền và chọn dịch vụ khác, nhưng đừng đòi hỏi nhiều hơn một cách cực đoan, hoặc nghĩ mình có quyền nói những lời thóa mạ một bộ phận dân số làm ngành y mà không chịu trách nhiệm về lời nói của mình. 
 
Vì nhân viên y tế Việt Nam cũng như những nhân viên y tế khác trên toàn thế giới – chúng tôi là những “con người”.
 
BS. Huyên Thảo
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team