linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

CHI PHÍ DỊCH VỤ CÓ ĐƯỢC THU PHÍ ?

#chiasetuNhatBan
😀 Cảm ơn anh chị luôn đọc hết những bài viết dài đăng mỗi thứ 6. Qua bài viết này hi vọng anh chị hiểu thêm về chi trả y tế tại Nhật và có cái nhìn mới về chi trả y tế có thể trong tương lai Việt Nam cũng sẽ thay đổi.
 
1) Bảo hiểm ưu tiên chi trả cho chữa bệnh
 
Bảo hiểm y tế là loại bảo hiểm được ưu tiên chi trả để chữa bệnh, vì thế nếu là tai nạn giao thông, tai nạn nghề nghiệp, hay tai nạn khi xảy ra trên đường đi làm sẽ có trường hợp không được bảo hiểm y tế thanh toán. Tùy trường hợp sẽ cần phải sử dụng bảo hiểm của người đã “gây ra tai nạn” hoặc sử dụng loại bảo hiểm bảo vệ tai nạn cho người lao động. Ở Nhật để bảo vệ người lao động có đủ loại bảo hiểm được đặt ra và vì vậy bảo hiểm y tế là ưu tiên dùng cho chữa bệnh tự phát. Người Nhật họ mua đủ các loại bảo hiểm, mình từng nghe “mua bảo hiểm là mua sự an tâm” mà sự an tâm thì rất khó định giá và tùy thuộc vào từng cá nhân mà nhu cầu sẽ khác.
 
2) Cách tính phí y tế như thế nào ?
 
Mọi xét nghiệm, kiểm tra đều được tính theo điểm (1 điểm là 10 Yên, 1 yên tương đương khoảng 200 vnd)
 
Tại Nhật ở phòng khám, bệnh viện dù là công hay tư hầu hết áp dụng khám bảo hiểm và nguồn thu chủ yếu vẫn là với bảo hiểm thực hiện 
 
Thanh toán tháng 1 lần. Để đơn giản hóa và kiểm tra số liệu mỗi hạng mục xét kiểm tra có mã số riêng để thanh toán. 
 
* Ví dụ :
- D001-1: kiểm tra protein niệu - 7 điểm
- D006-1: xét nghiệm thời gian đông máu - 15 điểm
- E002: chụp x-quang, nếu chụp analog - 60 điểm
- Chụp kỹ thuật số - 68 điểm
 
Và nếu là thuốc được phê duyệt bảo hiểm thì có ghi giá thuốc cụ thể trong từ điển thuốc và dễ dàng tra cứu trên mạng.
 
3) Phí dịch vụ thì sao ?
 
Làm tốt thu tiền là suy nghĩ đơn giản, dễ hiểu và rất thực tế. Qua đó các viện đua nhau làm tốt, đạt chất lượng đạt tiêu chuẩn của bộ y tế và qua đó có thể thu phí đối với người bệnh một mức giá hợp lý. Các phí dịch vụ trừ (tiền ăn, tiền phòng, thuê quần áo) sẽ vẫn trong mục bảo hiểm chi trả.
 
Cụ thể ra sao?
 
Tương tự như ở trên các phí dịch vụ cũng đánh số:
- A là các phí dịch vụ
- A200 là phí giải thích hướng dẫn giáo dục khi nhập viện: 230 điểm (500 ngàn VND)/ lần nhập viện.
-Tương tự vậy sẽ có phí quản lý nhiễm khuẩn, hỗ trợ dinh dưỡng, chăm sóc vết thương…dựa theo tỷ lệ điều dưỡng /người bệnh mà sẽ có các mức phí khác nhau.
Mỗi một loại hình dịch vụ đạt chuẩn và thực hiện sẽ được thu phí, điều này khuyến khích các bệnh viện làm tốt để tăng thu nhập.

Tăng tiện lợi khách hàng BV cũng có lợi không?
 
Chắc chắn là có!
 
Vệ sinh phòng bệnh, cung cấp suất ăn được bệnh viện Nhật thuê công ty bên ngoài đảm nhiệm cốt lõi để tăng tiện lợi cho người bệnh. Bệnh viện, khách sạn tại Nhật sẽ ký kết với công ty giặt là và vì thế quần áo, khăn mặt và ga giường là do phía công ty cung cấp và họ sẽ đảm nhiệm việc các vật dụng trên luôn luôn sạch sẽ và thơm tho. Và được hiểu đó là ký kết cá nhân đăng ký dịch vụ thuê “Khăn, quần áo, ga giường” của công ty giặt là qua bệnh viện. Ti vi phòng bệnh thì cũng có thể do công ty khác đặt đó cho thuê và thu phí khi muốn xem qua hình thức mua thẻ, viện cũng có lợi khi người bệnh xem tivi.
Phòng riêng ở Nhật khu vực BV trung tâm từ 200-400 USD / ngày và khu vực ngoại thành 80-150 USD/ ngày. Đặc biệt tiền phòng và dịch vụ tính từ 0:00 giờ chứ không  giống như check in khách sạn (mình từng kể vụ cho các anh say rượu nhập viện lúc 23”57 phút và 3 phút thì mọi dịch vụ cũng là 2 ngày).
 
Chi phí điều trị Tại bệnh viện Nhật trả khi nào?
 
Thông thường chi trả sau khi kết thúc việc khám và chữa bệnh. Với người bệnh ngoại trú sau thăm khám, xét nghiệm kết thúc mọi hoạt động ở viện đó trước khi ra về sẽ thực hiện thanh toán. Với bệnh nhân nhập viện thông thường các viện sẽ yêu cầu đóng 1 khoản tiền tạm ứng và yêu cầu có người bảo lãnh, địa chỉ liên hệ khẩn cấp. Bệnh viện cũng thăm hỏi khéo léo tài chính có vấn đề gì hay không? Muốn ở phòng riêng hay phòng chung (ở Nhật phòng trên 4 người thì tiền phòng sẽ được miễn phí) Mình cũng từng bị bệnh nhân hỏi nhiều lần là đại khái sẽ hết bao nhiêu tiền, vì thế đối với bệnh nhân hỏi chi phí điều trị là việc bình thường và đôi khi chúng ta cũng nên báo trước các chi phí cho bệnh nhân được nắm rõ.
 
Tại Nhật điều trị cơ bản dựa trên hệ thống khám bảo hiểm
 
Chi phí bệnh nhân có bảo hiểm thì trả theo khung bảo hiểm là 10%, 20%, 30% của tổng phí điều trị tùy từng người bệnh. Tổng chi phí điều trị tối đa phải trả theo tháng sẽ tùy mức thu nhập của hộ gia đình người bệnh, nhưng phải thẳng thắn là cũng không hề rẻ. Ngoài phí điều trị còn có chi phí ăn uống, khăn quần áo và có thể là mua bỉm... với người bệnh cần điều trị lâu dài gánh nặng kinh tế là một bài toán nan giải. Khi các bác sĩ mong phổ cập điều trị mới, thuốc mới sẽ đều mong được bảo hiểm thanh toán. Qua đó mới may mắn có cơ hội phổ cập điều trị mới, thuốc mới đó.
 
4) Chi trả chọn gói DPC/PDPS áp dụng ra sao ?
 
1996 Nhật bắt đầu thảo luận về hình thức chi trả chọn gói DPC/PDPS (DPC/PDPS:Diagnosis Procedure Combination /Per-Diem Payment System) có thể giải thích là hình thức chi trả chọn gói theo từng bệnh trong quá trình nhập viện điều trị và đưa vào áp dụng thí điểm từ năm 1998 đến năm 2003 thì chính thức phổ biến. Tháng 4/2020 đã có 1757 Bv đủ tiêu chuẩn và áp dụng chế độ thu phí theo hình thức này. Hình thức này khiến các bệnh viện phải chạy đua tính toán điều trị thông minh hiệu quả với việc làm ít xét nghiệm nhất mà lại mang lại hiệu quả tối ưu. Thực thi QUY TRÌNH CHUYÊN MÔN cũng đem đến cho bệnh viện tiết kiệm nhân lực và hiệu quả kinh tế đặc biệt là khối ngoại khoa.
 
5) Chi phí cho người không có bảo hiểm ra sao ?
 
Mình từng gặp một số em người Việt chỉ với 4 ngày nhập viện đã phải trả200 triệu tiền chi phí. Vì sao vậy? Lý do : các em ấy là “bộ đội” không có tư cách lưu trú và không có bảo hiểm.
 
Nhiều em đột nhiên bị cấp cứu, có trường hợp đến viện đã là ung thư giai đoạn cuối, đột quỵ… nhưng không đi khám và nhiều em đánh đổi tính mạng hay bỏ mạng nơi đây. Mặc dù đang ở sứ phù tang - nơi có nền y tế hiện đại của thế giới nhưng số lượng các bạn trẻ người Việt bị đột quỵ rất đáng báo động.
 
Nhật cho phép bệnh viện tự thu phí đối với người bệnh không có bảo hiểm. Có một số bệnh viện đặt ra luật thu 200% đối với NB không bảo hiểm. Khi không có bảo hiểm là số hiếm với người nhật, vì người nghèo đã không mất tiền bảo hiểm. Khi không có bảo hiểm ít nhiều sẽ được chú ý hơn, có thể mục chi trả sẽ được đánh dấu bằng bút đỏ và được nhân viên hành chính thăm hỏi ngay xác nhận chi trả có vấn đề gì không ?
 
6) Chi trả đối với người nước ngoài tới Nhật chữa bệnh ra sao ?
 
Là nhân viên y tế anh chị có thể giúp gì cho người bệnh khi họ bằng mọi cách muốn tới Nhật khám và điều trị?
 
Y tế Nhật phát triển nhưng so với Sing, Thái thì Nhật vẫn chưa mở cửa đón bệnh nhân nước ngoài. Chi phí sẽ là tùy bệnh viện nên sẽ có các mức thu 100%, 120%, 150%, 200%, 300% rất là đa dạng. Bệnh viện thường yêu cầu có cá nhân, hoặc công ty đứng ra bảo lãnh cho người bệnh về cơ bản để liên lạc, xác nhận tài chính, giải quyết khi có vấn đề với người bệnh. Công ty hỗ trợ thu phí có 2 hình thức như thu theo % của phí điều trị và thu theo thời gian hỗ trợ khi ở Nhật điều trị. Đủ hiểu nếu thu theo % điều trị để có lợi nhuận cao công ty hỗ trợ sẽ muốn đưa người bệnh tới nơi thu 300%. Nhìn chung thì nơi thu 300% chắc chắn là nơi đã có xác định rõ đón tiếp người bệnh nước ngoài và có đủ tự tin hệ thống đón tiếp người bệnh nên cũng là những bệnh viện tốt, là BV khu vực trung tâm các thành phố lớn. Câu hỏi là Viện thu 100% phí không tốt có đúng không thì có lẽ là không đúng. Có điều nơi đó chắc chắn là nơi chỉ chữa cho người sống ở Nhật.
Những góc khuất trong việc hỗ trợ còn rất nhiều vấn đề trong đó có cả việc công ty hỗ trợ làm việc có cố gắng tìm nơi điều trị theo “nhu cầu của người bệnh” hay không.
Chủ đề này rất dài, dưới góc nhìn của một người nhận viên y tế từng tiếp đón NB nước ngoài mình sẽ đề cập ở một bài khác.
 
Nhân viên y tế giúp được gì khi người bệnh muốn qua Nhật chữa bệnh?
 
Anh chị có thểgiúp bằng cách cung cấp thông tin hoặc đặt 3 câu hỏi giúp người bệnh sẽ tự hiểu tra cứu.
 
- Điều trị bác dự tính có thuộc hạng mục được bảo hiểm ở Nhật chi trả không?
 
- Bệnh viện anh chị dự tính đến thu phí ở mức nào trong các mức 100%, 120%, 150%,200%, 300%?
 
- Công ty đứng ra hỗ trợ bảo lãnh thu phí theo % của phí điều trị hay không?
 
✍️ Người bệnh khi muốn đi qua Nhật điều trị cho dù có muốn giữ chân thì họ vẫn tìm cách đi. Nhưng cuối cùng họ vẫn rất cần sự trợ giúp của bệnh viện địa phương. Chúng ta nên nghĩ ra nước ngoài điều trị là một lựa chọn của cá nhân và đó là quyền lợi của người bệnh.
 
✍️ Trước đây mình từng nói tại Nhật việc tham khảo phác đồ điều trị ở một bệnh viện khác là một việc rất bình thường. Gần đây nhiều bác sĩ còn chủ động hỏi người bệnh có nhu cầu đó không để tiện cung cấp giấy giới thiệu và dữ liệu cần thiết. Quy định về phí viết giấy giới thiệu và dữ liệu cũng thu phí bình thường nên chăng bệnh viện anh chị chưa có quy định cụ thể cũng nên xây dựng.
 
🥰 Y tế không khoảng cách dần phổ biến và quen thuộc hơn, nên chắc hẳn sẽ có nhiều đổi thay trong thời gian tới.
Rất hy vọng khi công nghệ thông tin phát triền sẽ giúp chúng ta học được cái hay cái tốt từ các bệnh viện trong nước và nước ngoài nhanh, hiệu quả hơn. 
 
Tại Nhật cũng chưa có diễn đàn qua mạng xã hội như diễn đàn QLCL như thế này.
 
Tokyo đang đón bão
25/09/2020
Hayashi Huệ
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team