Một trong những mong cầu tha thiết nhất của con người là được sống một cuộc đời khoẻ mạnh, vì vậy, trở thành bệnh nhân là điều không mấy ai mong muốn. Nhưng dù muốn hay không, chúng ta vẫn phải đối diện với thực tế: không ai tránh được bệnh viện. Hầu hết chúng ta cất tiếng khóc chào đời ở bệnh viện, và phải đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế nhiều lần nữa trong suốt cuộc đời: khám bệnh, chữa bệnh, thăm bệnh, nuôi bệnh, sinh con, nhổ răng, đo mắt, chích ngừa, cho đến khám sức khoẻ tổng quát để bổ sung hồ sơ tìm việc hay hồ sơ du học, du lịch...
Vậy mà, thử nghĩ xem hình ảnh bệnh viện trong tâm trí chúng ta thường gắn liền với cảm giác gì? Lo lắng, bất an, khó chịu, đau đớn, đôi khi phẫn nộ hay tuyệt vọng,… Tin tức về những vụ tai biến và sự cố y khoa càng khiến chúng ta phập phồng mỗi khi phải đến bệnh viện.
Bên cạnh sứ mệnh cứu chữa, Y khoa cho đến nay vẫn là một ngành khoa học phức tạp và nhiều rủi ro. Theo số liệu năm 2008, ở Mỹ cứ 7 người đi viện thì có 1 người gặp sự cố y khoa, trong đó có đến 44% trường hợp thuộc dạng có thể tránh được. Thử quay lại Việt Nam, số liệu của Bộ Y tế cho thấy mỗi ngày ở nước ta có khoảng 200.000 ca nhập viện. Giả sử các cơ sở y tế ở nước ta được quản lý tốt như ở Mỹ thì có khoảng 28.500 ca trong số đó gặp sự cố. Và như vậy, mỗi ngày có đến 12.500 sự cố y khoa có thể tránh được!
Vậy thì chúng ta không thể tiếp tục thờ ơ với sinh mạng của chính mình nữa. Chúng ta không thể tiếp tục cho rằng việc phòng ngừa rủi ro là việc của riêng bệnh viện và các nhân viên y tế nữa. Chúng ta không thể cứ ngồi yên đợi cho sự cố xảy ra rồi mới chạy đi kiện cáo khiếu nại trong sự giận dữ và bất lực nữa.
Một bàn tay không thể vỗ thành tiếng. Nếu Bệnh viện và nhân viên y tế là một bàn tay đang tìm kiếm giải pháp hạn chế rủi ro, cải tiến chất lượng chất lượng dịch vụ y tế thì Bệnh nhân/Thân nhân là bàn tay còn lại. Chính vì thế, chúng ta phải giành lấy vai trò chủ động trong việc chăm sóc sức khoẻ, chúng ta phải bổ sung những kiến thức thiết yếu, chúng ta phải biết cách đòi hỏi đúng và phối hợp chặt chẽ với nhân viên y tế nhằm mang lại sự an toàn và hiệu quả trong việc khám chữa bệnh cho chính mình và gia đình.
“Bệnh nhân thông thái” là dự án cộng đồng của Trung tâm Nghiên cứu Cải tiến Y tế CHIR, ra đời với mong muốn cung cấp những kiến thức thiết yếu giúp người dân Việt Nam sử dụng dịch vụ Y tế hiệu quả và an toàn hơn.
Bạn sẽ tìm thấy gì trên Fanpage Bệnh nhân thông thái?
- Những thông tin giúp bạn sử dụng dịch vụ Y tế, Bảo hiểm Y tế sao cho hiệu quả hơn
- Những chia sẻ giúp bạn giao tiếp, thảo luận và phối hợp tốt với bác sĩ và NVYT
- Những cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn và cách phòng tránh sự cố, rủi ro khi sử dụng dịch vụ Y tế
- Những chia sẻ giúp bạn có được trải nghiệm dễ chịu hơn ở bệnh viện và cơ sở Y tế
- Những chỉ dẫn giúp bạn phản hồi, khiếu nại hiệu quả và bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của mình
Cộng đồng Bệnh Nhân Thông Thái không giúp bạn chữa khỏi bệnh, nhưng những kiến thức từ Bệnh Nhân Thông Thái sẽ giúp bạn:
✅ TIẾT KIỆM thời gian, tiền bạc khi sử dụng dịch vụ Y tế
✅ GIẢM THIỂU sai sót gây tổn hại cho sức khoẻ và có thể cả tính mạng của bản thân và gia đình
✅ TĂNG hiệu quả khám chữa bệnh và hài lòng khi bước ra khỏi cơ sở y tế.
Bên cạnh Fanpage, Group Bệnh Nhân Thông Thái là một diễn đàn để bệnh nhân, thân nhân người bệnh chia sẻ những câu chuyện thực tế, giúp kết nối và lan toả hiểu biết, sự cảm thông, đồng thời tìm kiếm giải pháp thiết thực cho những vấn đề còn tồn tại, góp phần kiến tạo nền Y tế tốt hơn cho mỗi người bệnh và cả cộng đồng.
🌱 “Bệnh nhân thông thái” không chữa khỏi bệnh cho bạn, nhưng sẽ giúp bạn làm rõ các rủi ro có thể gặp khi là người bệnh và những cách thức cụ thể để giúp bạn An Toàn và Hài Lòng bước ra khỏi Cơ sở y tế.
🌱”Bệnh nhân thông thái” cũng là nơi giúp bệnh nhân và thân nhân chia sẻ kinh nghiệm, góp phần thúc đẩy việc cải tiến chất lượng ở các bệnh viện.
Chúng tôi mong rằng Bệnh nhân Thông thái sẽ trở thành người bạn đường đáng tin cậy, đầy yêu thương và thấu hiểu đối với từng bệnh nhân, thân nhân người bệnh trong suốt quá trình chăm sóc sức khoẻ của bản thân và gia đình.
Ths.Bs.Phan Thị Ngọc Linh