linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

HÀNH MỖI NGÀY: Tiêu chí A2.1

Tiêu chí A2.1. Người bệnh điều trị nội trú được nằm một người một giường

 1.Tổng quan:

Vị trí: Tiêu chí A 2.1. là tiêu chí trong nhóm tiêu chí A2 – ĐIỀU KIỆN CƠ SỞ VẬT CHẤT PHỤC VỤ NGƯỜI BỆNH thuộc phần A. HƯỚNG ĐẾN NGƯỜI BỆNH.
Thành phần: 15 tiểu mục. Trong đó: Mức chất lượng 1: 3 tiểu mục (1-3); Mức chất lượng 2: 2 tiểu mục (4-5); Mức chất lượng 3: 3 tiểu mục (6-8); Mức chất lượng 4: 2 tiểu mục (9-10); Mức chất lượng 5: 5 tiểu mục (11-15).
 
2.Mục tiêu chất lượng hướng đến: 
- Bảo đảm quyền lợi chính đáng của người bệnh, mỗi người bệnh được nằm 1 người/1 giường.
- Hạn chế nguy cơ mất an toàn, sai sót trong quá trình điều trị do nằm ghép.
- Nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị nội trú cho người bệnh từ đó góp phần gia tăng chất lượng bệnh viện và sự hài lòng của người bệnh.
 
3.Đầu ra
Đối với mỗi mức chất lượng và từng tiểu mục riêng biệt 
- Bệnh viện không có tình trạng nằm ghép, mỗi người bệnh một giường bệnh.
- Bảng số liệu thống kê về số ngày, giường nằm ghép trong năm; công suất sử dụng giường bệnh hiện tại so với công suất thiết kế ban đầu.
- Hệ thống giường bệnh đồng nhất, được thiết kế an toàn, tiện lợi cho người bệnh: có đầy đủ các tính năng như có tư thế nằm đầu cao, có bánh xe di chuyển, có thể nâng lên hạ xuống…
4.Biện pháp thực hiện
4.1. Tính toán thống kê
 
Số ngày người bệnh nằm ghép trong một năm.
Việc tính số ngày người bệnh nằm ghép trong trường hợp này chúng ta có thể hiểu đó chính là số ngày điều trị của một người bệnh mà kèm theo điều kiện người bệnh đó nằm ghép trong quá trình điều trị (có thể liên tục hoặc không liên tục).
Vậy chúng ta cần phải hiểu cách tính toán số ngày điều trị nội trú.
+ Ngày điều trị nội trú: Là một ngày trong đó người bệnh được hưởng mọi chế độ điều trị nội trú, chăm sóc mà bệnh viện phải đảm bảo bao gồm: chẩn đoán, điều trị thuốc, chăm sóc, nghỉ ngơi….
Số ngày điều trị nội trú = (ngày ra viện – ngày vào viện) + 1
– Trong trường hợp người bệnh vào viện đêm hôm trước và ra viện vào sáng hôm sau (từ 4 tiếng đến dưới 8 tiếng) chỉ được tính một ngày.
– Trong trường hợp người bệnh chuyển khoa trong cùng một bệnh viện và cùng một ngày mỗi khoa chỉ được tính 1/2 ngày.
+ Ngày điều trị trung bình của một đợt điều trị nội trú: là số ngày trung bình của một người bệnh điều trị nội trú trong kỳ báo cáo của một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc một khu vực.
 
Hình ảnh về nằm ghép tại một số bệnh viện:
 
 
Tử số
– Tổng số ngày điều trị nội trú của một đơn vị điều trị (khoa, bệnh viện) trong một năm xác định.
 
Mẫu số
– Tổng số lượt người điều trị nội trú của đơn vị điều trị (khoa, bệnh viện) đó trong cùng một năm.
 
Tùy vào điều kiện và nhu cầu chúng ta có thể tính thêm số ngày nằm ghép trung bình trong một đơn vị thời gian tại một đơn vị điều trị (khoa, bệnh viện).
 
Trên cơ sở tính toán số ngày điều trị nội trú ta trích lọc dữ liệu những ngày điều trị nội trú có kèm điều kiện có nằm ghép chúng ta sẽ tính toán được số ngày nằm ghép.
 
Số ngày nằm ghép = (Ngày kết thúc nằm ghép – ngày bắt đầu nằm ghép) +1
 
Ví dụ: Tính toán số ngày nằm ghép của bệnh nhân tại khoa Nội Tiêu hóa, Bệnh viện A, năm 2015.
 
Chúng ta phân lọc và lập danh sách người bệnh nằm ghép tại khoa Nội Tiêu hóa.
- Kết quả có 256 trường hợp (lượt) nằm ghép tại khoa Nội Tiêu hóa năm 2015 (Chú ý tính toán không bỏ sót kể cả người bệnh không nằm ghép trong suốt quá trình điều trị nhưng có nằm ghép trong một hoặc nhiều khoảng thời gian nhất định thì cũng cần ghi nhận số ngày nằm ghép của ca đó).
- Trên dữ liệu của bệnh nhân X, nhập viện điều trị ngày 25 tháng 03 năm 2015; ngày 03 tháng 04 năm 2015 người bệnh phải bắt đầu nằm ghép. Đến ngày 28 tháng 04 năm 2015 người bệnh này được nằm một người một giường cho đến khi xuất viện.
 
Vậy số ngày nằm ghép của bệnh nhân X= (28/04/2015 – 03/04/2015) + 1= 26 ngày.
 
Tương tự tính dữ liệu của 256 người bệnh ta sẽ tính được tổng số ngày nằm ghép của khoa Nội Tiêu hóa trong năm 2015.
 
Nếu muốn tính số ngày nằm ghép trung bình của một người bệnh chúng ta chỉ việc lấy số ngày nằm ghép chia cho số lượt điều trị có nằm ghép trong năm 2015 của khoa Nội Tiêu hóa.
 
Chú ý khi tính số trung bình phải xác định chia trên số lượt có nằm ghép (có nghĩa là một người bệnh có thể có đến 3 lần nằm ghép trong một đợt điều trị nhưng vẫn chỉ tính là một lượt). Tuy nhiên không có nghĩa là tính trên đầu người, Ví dụ: bệnh nhân Y nhập viện điều trị đợt 1 (từ ngày 02/01/2015-20/03/2015) có 3 khoảng thời gian bệnh nhân có nằm ghép trong đợt 1 thì số lượt điều trị có nằm ghép vẫn là 1. Tuy nhiên, bệnh nhân Y này sau đó quay lại nhập viện điều trị đợt 2 và cũng có nằm ghép. Thì khi này số lượt điều trị có nằm ghép tăng lên là 2 chứ không phải là một. Như vậy tránh tình trạng chúng ta cho rằng cùng một người bệnh Y nên chỉ tính 1 lượt.
 
Số giường bệnh nằm ghép trong năm.
Số giường bệnh nằm ghép trong một năm được xác định là số giường phục vụ người bệnh nằm ghép trong một thời gian xác định.
 
Ví dụ: Khoa Nội Thần kinh, ngày 23 tháng 5 năm 2015, có giường 8, giường 10 có người bệnh nằm ghép. Vậy số giường bệnh nằm ghép trong ngày này là 02 giường bệnh.
 
Thống kê liên tục chúng ta sẽ ghi nhận được số giường bệnh nằm ghép trong năm..
 
CHÚ Ý: Việc tính toán thống kê nêu trên KHÔNG áp dụng đối với các bệnh viện điều kiện lý tưởng không có tình trạng người bệnh nằm ghép.
 
4.2. Rà soát và bố trí giường bệnh theo yêu cầu của tiêu chí.
- Trang bị và bố trí giường bệnh dành riêng cho người cao tuổi tại các khoa lâm sàng, ưu tiên các buồng bệnh và các giường ở vị trí thuận tiện cho người cao tuổi ra, vào (áp dụng cho các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa có người bệnh cao tuổi).
Theo Nội dung quy định tại Luật Người cao tuổi Số: 39/2009/QH12 có quy định rõ người Cao tuổi là công dân Việt Nam đủ từ 60 tuổi trở lên.
Vì vậy, đối với các bệnh viện thường xuyên điều trị cho các bệnh nhân đáp ứng điều kiện về người cao tuổi nêu trên thì cần bố trí đúng theo yêu cầu tiểu mục nêu trên.
- Số giường bệnh được kê không vượt quá công suất thiết kế ban đầu của buồng bệnh.
 
Đối với tiểu mục này cần chú ý lại thiết kế ban đầu của khoa/bệnh viện. Để tính toán và rà soát lại liệu số giường thực kê hiện tại của bệnh viện có phù hợp với công suất giường bệnh theo thiết kế ban đầu hay không? 
 
Ví dụ: Khoa Sản, Bệnh viện D theo thiết kế ban đầu của buồng bệnh tại khoa Sản thì sẽ có thể kê tối đa là 10 giường bệnh điều trị nội trú. Tuy nhiên hiện tại, Khoa Sản đang kê 12 giường bệnh như vậy đã vượt quá công suất thiết kế ban đầu mặc dù vẫn đảm bảo mỗi người bệnh một giường bệnh.
 
- Các giường bệnh trong cùng một buồng bệnh bảo đảm tính đồng nhất.
- Người bệnh bị bệnh nặng, người bệnh sau phẫu thuật, người bệnh cần kết nối với trang thiết bị y tế, người bệnh bị bệnh truyền nhiễm, người bệnh bị nhiễm khuẩn bệnh viện và các người bệnh có nguy cơ cao bị lây nhiễm được bố trí nằm mỗi người một giường.
- Giường bệnh được thiết kế bảo đảm an toàn, tiện lợi cho người bệnh: có đầy đủ các tính năng như có tư thế nằm đầu cao, có bánh xe di chuyển, có thể nâng lên hạ xuống…
 
5.Kinh nghiệm thực tiễn từ một số bệnh viện
- Tiêu chí A 2.1 là một tiêu chí khó thực hiện với nhiều bệnh viện hiện nay bởi tình trạng quá tải về người bệnh và cơ sở vật chất hiện tại khó có thể đáp ứng đủ.
 
- Tuy nhiên, đối với một số bệnh viện đã chủ động thực hiện các biện pháp linh hoạt cải tiến để làm sao giảm thiểu được số giường bệnh nằm ghép và số giường bệnh nằm ghép một cách thấp nhất. Như việc: Phân loại bệnh để phân bố bệnh đến các buồng bệnh và khoa điều trị một cách hợp lý để tránh tình trạng ứ đọng hoặc quá tải người bệnh tại một khoa nhất định. Nâng cao chất lượng chăm sóc điều trị người bệnh như việc tăng cường chất lượng chăm sóc của điều dưỡng, giám sát tuân thủ phác đồ, tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn (nội dung chi tiết sẽ được trình bày ở các bài viết trong tiêu chí nhóm C).
 
- Bệnh viện tiến hành khảo sát thống kê số người bệnh cao tuổi định kỳ để có biện pháp can thiệp và thiết kế buồng bệnh theo quy định của tiêu chí nêu trên một cách phù hợp nhất. Nếu trường hợp có ít người bệnh có thể tận dụng cơ sở vật chất từ một khoa điều trị ít bệnh để bố trí buồng bệnh cho người cao tuổi, không nhất thiết phải xin xây dựng bố trí và thành lập hẳn một khoa điều trị cho người cao tuổi nếu kết quả thống kế số lượng người cao tuổi đến điều trị rất ít.
 
- Đảm bảo tính đồng nhất các giường bệnh trong một buồng bệnh là một tiêu chí khá khó và nhiều bệnh viện khó có thể đảm bảo. Tuy nhiên, cần lưu ý việc đảm bảo tính đồng nhất các giường bệnh trong một buồng bệnh có thể  được hiểu là giường bệnh đó được thiết kế đảm bảo tính thống nhất và phục vụ chức năng đầy đủ như tất cả các giường bệnh khác đang được kê trong buồng bệnh đó.
Ví dụ: Giường bệnh tại buồng bệnh Số 5 Khoa Lão, Bệnh viện B. Các giường bệnh được chú ý khi lắp đặt ban đầu phải kê tất cả các giường bệnh giống nhau trong buồng bệnh này. Nếu quá trình sử dụng sau 2 năm, cần thay mới nhưng nhà cung cấp không còn cung cấp mẫu mã giường bệnh hệt như những giường bệnh đang kê tại buồng thì giường bệnh mới phải đảm bảo cơ bản về thiết kế (chiều rộng, chiều cao, vật liệu…) và đảm bảo tính năng phục vụ người bệnh như độ dày nệm kê, khả năng xoay trở, thanh chắn thành giường… như những giường bệnh hiện tại.
 
Một số hình ảnh về giường bệnh đồng nhất:
 
 
và không đồng nhất:
 
 
- Hiện tại Bộ Y tế đã tiến hành phát động ký cam kết không nằm ghép cho các bệnh viện. Các bệnh viện nên biến cam kết này thành hành động và đưa vào các chương trình hành động, mục tiêu chiến lược về cải tiến chất lượng bệnh viện.
 
Nằm như thế này thì có tính là nằm ghép không?
 
 
6.Đoàn kiểm tra đánh giá
- Căn cứ vào nội dung chi tiết các tiểu mục.
- Đánh giá dựa trên các đầu ra nêu ở mục 3 và kết hợp với quy định chi tiết của các tiểu mục về đầu ra.
- Quan sát thực tế: có người bệnh đang nằm ghép tại khoa điều trị hay không.
- So sánh đối chiếu: Đối chiếu danh sách người bệnh đang điều trị tại khoa ghi nhận với số giường thực kê tại khoa. Đối chiếu bệnh lý với quy định của tiểu mục về bố trí người bệnh nằm một giường phù hợp với tình trạng bệnh.
 
Ví dụ: Tại khoa Nhi, Bệnh nhân X mắc bệnh tay chân miệng nhưng đang để nằm ghép với một bệnh nhi vừa phẫu thuật ruột thừa xong. Điều này đồng nghĩa vi phạm nội dung tiểu mục số 6. 
 
- Kiểm tra văn bản: Báo cáo thống kê về số ngày, giường nằm ghép. Báo cáo số lượt điều trị với số giường bệnh chỉ tiêu. So sánh, phân tích và đối chiếu để kiểm tra độ tin cậy và tính giá trị của các số liệu báo cáo.
 
7.Tài liệu tham khảo:
Truy cập thêm các tài liệu bên dưới để xem một số hướng dẫn và hình ảnh thực tế.
1. Tiêu chí chất lượng bệnh viện đã điều chỉnh 2015 (Nguồn download: http://kcb.vn/tai-lieu-trien-khai-kiem-tra-danh-gia-chat-luong-benh-vien-2015.html) 
2. Hình ảnh download từ Internet
3. Luật người cao tuổi số 39/2009/QH12 ngày 23/11/2009.  
 
Nguyễn Quang Vinh
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team