linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

Xây dựng hệ thống quản trị chất lượng tại Bệnh Viện

Dịch vụ chăm sóc y tế có chất lượng là các dịch vụ chăm sóc đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và đồng thời cũng mang lại hiệu quả cao nhất cho những người cung cấp dịch vụ.
 
Bài viết của ThS. Nguyễn Trọng Khoa (Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế) và ThS. Phan Thị Ngọc Linh (Bệnh viện FV) trên tạp chí Y Học Sinh Sản số 31 (HOSREM).
 
Việc cải tiến nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân là yêu cầu cấp thiết của ngành y tế. Mục đích cuối cùng của nâng cao chất lượng dịch vụ y tế là đảm bảo đáp ứng được các nhu cầu của người sử dụng dịch vụ, đảm bảo người bệnh được an toàn và hài lòng, đồng thời thông qua đó cũng giúp đáp ứng nhu cầu của người cung cấp dịch vụ. Trước yêu cầu cấp thiết về nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, một số bệnh viện đã chủ động áp dụng các mô hình quản trị chất lượng như: quản trị chất lượng toàn diện (TQM), đánh giá và công nhận chất lượng theo các chứng nhận quốc tế ISO, JCI... Bộ Y tế cũng đã triển khai một số lớp tập huấn về cải tiến chất lượng, an toàn người bệnh; tổ chức các hội thảo, diễn đàn về chất lượng bệnh viện; ban hành, triển khai thông tư hướng dẫn thực hiện quản lý chất dịch vụ khám-chữa bệnh tại bệnh viện và bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện... Với tình hình này, các bệnh viện nên bắt tay ngay vào việc xây dựng hệ thống quản trị chất lượng - an toàn người bệnh và triển khai các hoạt động hết sức thiết yếu cho bệnh viện.
 
 
Căn cứ pháp lý
 
Luật khám bệnh - chữa bệnh, điều 50, 51 qui định về tiêu chuẩn quản trị chất lượng và tổ chức chứng nhận chất lượng đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và giao cho Chính phủ qui định chi tiết về thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức chứng nhận chất lượng. 
 
Năm 2013, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 19/2013/TTBYT về hướng dẫn thực hiện quản trị chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện, đáp ứng yêu cầu đổi mới và cấp bách trong lĩnh vực quản trị chất lượng bệnh viện. Thông tư đã cung cấp các hướng dẫn chi tiết về:
Nguyên tắc tổ chức, thực hiện cải tiến chất lượng.
Nội dung triển khai quản trị chất lượng trong bệnh viện.
Tổ chức hệ thống quản trị chất lượng trong bệnh viện.
Trách nhiệm thực hiện quản trị chất lượng bệnh viện.
 
Thông tư này đã cho thấy quyết tâm của Bộ Y tế trong việc tăng cường nhận thức và đẩy mạnh việc thực hiện quản trị chất lượng tại các bệnh viện. Nhiều bệnh viện trên cả nước hiện đã thành lập phòng quản trị chất lượng, hội đồng quản lý chất lượng và triển khai nhiều hoạt động cải tiến chất lượng - an toàn người bệnh tại bệnh viện.
 
Các nguyên tắc khi xây dựng hệ thống quản trị chất lượng tại Bệnh viện
 
Để xây dựng được hệ thống quản trị chất lượng trong bệnh viện thành công, các bệnh viện thường phải bảo đảm các nguyên tắc sau:
1. Phải có sự đồng thuận, quyết tâm và cam kết từ phía lãnh đạo bệnh viện.
2. Phải có tất cả đại diện từ từng phòng ban / bộ phận (đơn vị) trong bệnh viện tham gia kiêm nhiệm vào hệ thống.
3. Phải quán triệt đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của bệnh viện, sẽ tiến hành thường xuyên, liên tục và ổn định vì có liên quan đến sự an toàn và hài lòng của cả nhân viên và người bệnh.
4. Phải lôi kéo được sự tham gia và đồng thuận từ toàn thể tập thể nhân viên trong bệnh viện.
5. Khi tổ chức thực hiện các hoạt động về quản trị chất lượng và an toàn người bệnh, sẽ lấy người bệnh làm trung tâm và các quyết định liên quan đến hoạt động quản trị chất lượng và an toàn người bệnh trong bệnh viện đều dựa trên cơ sở pháp luật, cơ sở khoa học với các bằng chứng cụ thể và đáp ứng nhu cầu thực tiễn nâng cao chất lượng của bệnh viện.
 
Tổ chức hệ thống quản trị chất lượng tại Bệnh viện
Hình thức tổ chức
Tùy vào qui mô của bệnh viện, có thể tổ chức dạng phòng quản trị chất lượng độc lập cùng với hệ thống mạng lưới hoặc hội đồng quản lý chất lượng.
 
Hội đồng quản lý chất lượng sẽ có một chủ tịch và một phó chủ tịch hội đồng (có thể thay thế bằng một hội đồng cố vấn), có ít nhất một nhân viên chuyên trách và một mạng lưới các nhân viên quản trị chất lượng kiêm nhiệm được chọn từ tất cả các bộ phận / phòng ban tham gia vào các hoạt động quản trị chất lượng, cải tiến chất lượng, an toàn người bệnh... Mạng lưới quản trị chất lượng sẽ phối hợp chặt chẽ với nhân viên chuyên trách về quản trị chất lượng trong mọi hoạt động được triển khai.
 
Chủ tịch hội đồng quản lý chất lượng phân công nhiệm vụ cho các thành viên; xây dựng qui chế hoạt động của hội đồng cũng như định hướng đường lối chiến lược và các hoạt động sẽ triển khai về quản trị chất lượng tại bệnh viện.
 
Nhân viên chuyên trách về quản trị chất lượng chính là người làm đầu mối điều phối các hoạt động liên quan đến quản trị chất lượng, cải tiến chất lượng, an toàn người bệnh trong bệnh viện.
 
Mỗi khoa, phòng, đơn vị của bệnh viện cử ít nhất một nhân viên kiêm nhiệm tham gia mạng lưới quản trị chất lượng bệnh viện. Họ chính là bộ phận chủ lực tham gia vào mọi hoạt động của hội đồng, giúp triển khai, thực hiện, theo dõi các hoạt động liên quan đến quản trị chất lượng bệnh viện khi đi vào thực hiện chi tiết. Họ cũng chính là đội ngũ đẩy mạnh các hoạt động cải tiến chất lượng vào từng đơn vị và tất cả các khu vực trong bệnh viện.
 
Hội đồng quản lý chất lượng bệnh viện sẽ tổ chức các cuộc họp định kỳ và đột xuất nhằm triển khai, hỗ trợ, giám sát và đưa ra các khuyến nghị liên quan đến quản lý chất lượng, các cuộc họp định kỳ nên diễn ra ít nhất là mỗi tháng một lần.
 
Tổ chức và nhiệm vụ của Hội đồng
Tổ chức
Hội đồng quản lý chất lượng trong bệnh viện do giám đốc bệnh viện ban hành quyết định thành lập, qui chế và duy trì hoạt động; thư ký thường trực là chuyên viên chuyên trách về quản trị chất lượng. Số lượng thành viên hội đồng quản lý chất lượng tùy thuộc vào qui mô của bệnh viện gồm đại diện các khoa, phòng có liên quan đến hoạt động cải tiến chất lượng bệnh viện và an toàn người bệnh (mạng lưới).
 
Nhiệm vụ của Hội đồng
Hội đồng quản lý chất lượng bệnh viện là hội đồng có vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức các hoạt động cải tiến chất lượng và an toàn người bệnh tại bệnh viện từ khâu định hướng, xác định các vấn đề ưu tiên đến việc triển khai, theo dõi, kêu gọi sự tham gia của toàn thể nhân viên bệnh viện... Những trách nhiệm cơ bản của hội đồng này bao gồm:
 
Trách nhiệm đối với người bệnh
Mục tiêu sau cùng của làm quản trị chất lượng là để người bệnh được an toàn và hài lòng, chất lượng khám chữa bệnh phải ngày càng tốt hơn và chất lượng của sự phục vụ cũng phải ngày càng cải thiện. Vì thế, trách nhiệm cơ bản của hội đồng quản lý chất lượng đối với người bệnh bao gồm nhiều mặt và được đánh giá thông qua trả lời các câu hỏi dưới đây:
-Người bệnh có được chăm sóc an toàn?
-Các qui trình kỹ thuật, các phác đồ chuyên môn có được tuân thủ không?
-Các phương pháp chăm sóc và điều trị có dựa vào bằng chứng?
-Các sự cố và rủi ro xảy ra và suýt xảy ra trong bệnh viện có được kịp thời báo cáo, điều tra, ngăn chặn hay có biện pháp k-khắc phục, cải tiến từ các sự cố đó hay không?
-Người bệnh vào bệnh viện có được thăm khám và điều trị kịp thời?
-Các quyền của người bệnh có được tôn trọng hay không?
-Người bệnh có hài lòng với chất lượng chăm sóc, phục vụ của bệnh viện?
-Các hoạt động cải tiến chất lượng có được triển khai tại bệnh viện và kết quả được ghi nhận?
 
Trách nhiệm đối với nhân viên
Hướng dẫn và đào tạo về các kiến thức liên quan đến cải tiến chất lượng và an toàn người bệnh cho toàn nhân viên. Tạo điều kiện cho mỗi nhân viên được tham gia vào các hoạt động cải tiến chất lượng, an toàn người bệnh để nâng cao kiến thức, kỹ năng.
Phân tích đánh giá tình hình thực tế của bệnh viện,xác định các điểm yếu, các qui trình cần xây dựng, các hoạt động cần điều chỉnh, cải tiến và phân công công việc phù hợp với khả năng của từng phòng hộiđồng và cá nhân phụ trách, sau đó, hướng dẫn họ thực hiện và theo dõi giám sát.
Đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ và cách thực hiện công việc của từng phòng ban và cá nhân để có các hình thức khen thưởng, động viên hợp lý.
Thông báo kết quả của các hoạt động cải tiến chấtlượng và an toàn người bệnh được triển khai trong bệnh viện đến toàn thể nhân viên.
 
Trách nhiệm đối với bệnh viện
Dẫn dắt tiến trình chất lượng tại bệnh viện.
Phát hiện các vấn đề chất lượng, các nguy cơ tiềm ẩn đối với an toàn người bệnh, xác định các hoạt động ưu tiên và đề xuất các đề án bảo đảm, cải tiến chất lượng và an toàn người bệnh. Cố vấn cho hội đồng giám đốc trong việc vạch các chiến lược, định hướng cho việc điều hành và phát triển bệnh viện.
Giúp cho ban giám đốc triển khai áp dụng các bộ tiêu chí, các tiêu chuẩn quản trị chất lượng do Bộ Y tế ban hành hoặc thừa nhận, phù hợp với điều kiện của bệnh viện đồng thời tổ chức các hoạt động đánh giá nội bộ chất lượng bệnh viện.
Hoàn tất các báo cáo chất lượng bệnh viện cho ban giám đốc và các sở, bộ, ban ngành theo yêu cầu.
 
Những phẩm chất cần thiết cho các thành viên của Hội đồng quản lý chất lượng và An toàn người bệnh
Có tầm nhìn
Tầm nhìn là sự tuyên bố về hướng phát triển trong tương lai có thể đạt được của một tổ chức và đưa mọi nhân viên đi theo cùng một hướng. Có tầm nhìn sẽ giúp các thành viên trong hội đồng cải tiến chất lượng và an toàn người bệnh, đưa ra những lộ trình phát triển của bệnh viện trong tương lai về tiến trình cải tiến chất lượng, đưa ra mục tiêu chung cho các thành viên trong bệnh viện phấn đấu và định hướng cho việc đưa ra các quyết định ưu tiên đầu tư về nguồn lực để triển khai.
 
Tự tin
Tự tin là một trong những phẩm chất dẫn đến thành công. Các lãnh đạo của tiến trình chất lượng và các thành viên trong hội đồng muốn thành công thì phải tin tưởng vào những gì mình làm, phải tin tưởng vào những gì mình kêu gọi người khác làm và phải có lập trường vững vàng trong các quyết định của mình. Phải bình tĩnh, tự chủ trong mọi tình huống để đối mặt với mọi sóng gió, thách thức chắc chắn sẽ gặp phải trong quá trình triển khai các hoạt động cải tiến chất lượng và an toàn người bệnh. Sự tự tin sẽ dần dần hình thành, được củng cố qua thời gian dài rèn luyện những kỹ năng trong công việc, tích lũy vốn kiến thức rộng cùng với những thành công và kết quả từ các hoạt động đã triển khai.
 
Ủy quyền
Ủy quyền là sự giao trách nhiệm và giao quyền thực hiện nhiệm vụ cho người có đủ năng lực thực hiện và người được ủy quyền phải báo cáo kết quả thực hiện cho người ủy quyền. Hội đồng cải tiến chất lượng không thể tự mình làm hết mọi việc mà phải biết ủy quyền cho các nhân viên trong bệnh viện thực hiện. Khi ủy quyền, phải bảo đảm đúng người đúng việc, phải ủy quyền trong phạm vi trách nhiệm của người ủy quyền và người được ủy quyền, phải đưa ra chỉ dẫn rõ ràng, giám sát, hỗ trợ nhân viên làm việc và theo dõi kết quả thực hiện. Cần lưu ý, ủy quyền còn là một công cụ để phát triển năng lực nhân viên và tạo sự đồng thuận trong tập thể, là một cách thức hiệu quả để lôi kéo nhân viên tham gia vào tiến trình chất lượng của bệnh viện.
 
Năng lực chuyên môn
Các lãnh đạo của tiến trình chất lượng và các thành viên trong hội đồng cải tiến chất lượng phải được tạo điều kiện tham gia các khóa huấn luyện về quản trị chất lượng, cải tiến chất lượng, an toàn người bệnh và được cập nhật kiến thức về lĩnh vực này để triển khai các hoạt động một cách hiệu quả. Họ cũng cần cập nhật thông tin mới nhất, thông tin tổng quát về lĩnh vực này cũng như thông tin liên quan đến những công việc cụ thể mà họ đang làm. Nên khéo léo “giới thiệu” với nhân viên bệnh viện kinh nghiệm làm việc liên quan đến công việc của họ khi có cơ hội giao tiếp.
Các nhân viên bệnh viện cần họ định hướng và dẫn dắt. Nhân viên cần có niềm tin vào hội đồng quản lý chất lượng và an toàn người bệnh là họ có khả năng định hướng chính xác, chỉ đạo hợp lý và điều phối hiệu quả các hoạt động để mang lại kết quả tốt nhất, khi đó, nhân viên sẽ đặt niềm tin vào khả năng chỉ đạo, điều hành của họ. 
 
Quyết đoán
Thực hiện triển khai các cải tiến chất lượng cần sự quyết đoán, quyết tâm hành động trong khi những người khác e dè. Hội đồng quản lý chất lượng và an toàn người bệnh cùng các thành viên phải luôn ý thức về nhiệm vụ, trách nhiệm của mình, sứ mệnh dẫn dắt tiến trình cải tiến chất lượng của bệnh viện nên phải quyết đoán trong những quyết định, mặc dù có những quyết định sẽ gây tác động lớn, ảnh hưởng đến mối quan hệ với tập thể nhân viên bệnh viện. Họ không nên đầu hàng khó khăn khi chưa thật sự đối đầu với nó. Mọi thứ không phải luôn luôn dễ dàng, họ cần có nhiều trải nghiệm cả thất bại và thành công. Phải vượt qua sức ỳ của bản thân, dám chấp nhận mạo hiểm và dám đương đầu với thất bại.
 
Sử dụng nhân viên hiệu quả
Lãnh đạo của tiến trình chất lượng, hội đồng cải tiến chất lượng và an toàn người bệnh phải giao nhiệm vụ phù hợp với năng lực và sở trường của nhân viên, đặt ra những yêu cầu và giao nhiệm vụ mang tính thách thức cho nhân viên: tạo cảm giác họ là người quan trọng. Chọn các nhân viên là người dám nói sự thật cho mình. Cần coi trọng giá trị của nhân viên, cần có một niềm tin rằng nhân viên có thể làm được nhiệm vụ được giao, phát hiện và tôn trọng nhân tài, qui tụ mọi nhân viên bằng cách tìm họ, khám phá họ, tiếp đón họ, chọn họ, huấn luyện họ, tín nhiệm họ, sử dụng họ và mến yêu họ.
 
Hài hòa lợi ích cá nhân và tập thể
Chấp nhận thiệt thòi là một yêu cầu cao và là một yêu cầu thiết yếu đối với người làm cải tiến chất lượng và muốn xây dựng cũng như đẩy mạnh văn hóa an toàn người bệnh. Bất cứ cải tiến nào mà người trong hội đồng cải tiến chất lượng không thể thực hiện được thì không nên mong đợi người khác thực hiện. Các thành viên trong hội đồng cải tiến chất lượng và an toàn người bệnh phải là người đi đầu thực hiện các hoạt động, khi đề ra các cải tiến phải hài hòa lợi ích của bản thân, tập thể và làm gương để nhân viên học tập thì nhân viên mới tâm phục khẩu phục và cùng chung tay góp sức vào tiến trình chất lượng chung của bệnh viện.
 
Giao tiếp hiệu quả
Các lãnh đạo của tiến trình chất lượng bệnh viện, các thành viên của hội đồng quản lý chất lượng và an toàn người bệnh cần chọn cách nói ngắn gọn, khúc chiết và chính xác, cần có khả năng trình bày quan điểm và truyền đạt thông tin một cách rõ ràng, hiệu quả. Lưu ý điều đó hoàn toàn không có nghĩa là họ phải là nhà hùng biện. Họ chỉ cần biết cách trình bày những điều cần thiết một cách lưu loát và nhạy cảm với những quan tâm của người khác. Phải biết gọi người khác đến nói chuyện, biết cách giải tỏa căng thẳng về tinh thần, biết nêu ra câu hỏi và biết đặt các câu hỏi cảm thông, biết cách “tước được vũ khí” của người đối diện.
Trong nhiều trường hợp, họ cũng cần có đức tính kiên nhẫn và không vội vàng bộc lộ bản thân. Im lặng cũng là một phẩm chất lớn.
 
Biết lắng nghe, nói cách khác là biết nghe người khác, cũng là một phẩm chất không thể thiếu. Lắng nghe – điều không dễ đối với tất cả mọi người. Lắng nghe ý kiến tán thành thì dễ, việc lắng nghe ý kiến trái ngược khó hơn, thậm chí có người vừa nghe một ý kiến trái ngược đã cảm thấy khó chịu, nhưng trong không ít trường hợp, ý kiến trái ngược, ý kiến thuộc về thiểu số lại là ý kiến đúng. Vì vậy, người làm quản trị chất lượng phải khắc phục yếu tố tâm lý, gạt bỏ "cái tôi", bình tâm lắng nghe ý kiến trái ngược, càng không được phân biệt đối xử với người đưa ra ý kiến trái ngược.
 
Triển khai hoạt động sau khi thành lập Hội đồng quản lý chất lượng và An toàn người bệnh
 
Đánh giá thực trạng về quản trị chất lượng và an toàn người bệnh tại bệnh viện
 
Cần phải triển khai thực hiện đánh giá chất lượng nội bộ của bệnh viện dựa trên các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn quản trị chất lượng do Bộ Y tế ban hành hoặc thừa nhận. Đây là hoạt động đầu tiên phải làm sau khi thành lập được hội đồng quản lý chất lượng, để từ đó có cái nhìn tổng quan về thực tế của bệnh viện. Hiện nay, thế giới khuyến khích sử dụng 50 chuẩn thiết yếu JCI – là bộ tiêu chuẩn dùng cho các bệnh viện mới khởi đầu tiến trình chất lượng, được rất nhiều bệnh viện và bộ y tế các nước trên thế giới khuyến khích sử dụng. Bộ tiêu chuẩn thiết yếu này sẽ giúp các bệnh viện có được sự nhìn nhận và tự đánh giá tổng thể nhưng hết sức cơ bản những yêu cầu của một bệnh viện có chất lượng, đặt nền tảng cho những chứng chỉ chất lượng quốc tế sau này. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng có thể xác định được những vấn đề ưu tiên trong cải tiến chất lượng... Bộ Y tế cũng đang xây dựng Bộ Tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện nhằm đo lường, đánh giá chất lượng bệnh viện, đồng thời cũng xác định ưu tiên và định hướng cải tiến cchất lượng bệnh viện.
 
Xây dựng kế hoạch, chương trình cải tiến chất lượng và an toàn người bệnh trong bệnh viện
Dựa vào kết quả đánh giá thực trạng của bệnh viện, hội đồng quản lý chất lượng và an toàn người bệnh sẽ xây dựng, ban hành, phổ biến mục tiêu chất lượng để nhân viên y tế, người bệnh và cộng đồng được biết. Mục tiêu chất lượng phù hợp với chính sách, pháp luật liên quan đến chất lượng và nguồn lực của bệnh viện.
Bệnh viện sẽ xây dựng kế hoạch và lập chương trình bảo đảm, cải tiến chất lượng thông qua việc xác định các vấn đề ưu tiên. Nội dung của kế hoạch chất lượng được lồng ghép vào kế hoạch hoạt động hằng năm và 5 năm, phù hợp với nguồn lực của bệnh viện.
 
Một số hoạt động tiêu biểu có thể đưa vào kế hoạch
 
Duy trì qui chuẩn kỹ thuật quốc gia về bệnh viện
(1) Bệnh viện bảo đảm các điều kiện để được cấp giấy phép hoạt động theo lộ trình qui định tại Nghị định số 87/2011/NĐ-CP ngày 27 tháng 09 năm 2011.
(2) Bệnh viện đã được cấp giấy phép có trách nhiệm tiếp tục duy trì các hoạt động để bảo đảm đáp ứng qui chuẩn kỹ thuật quốc gia và các điều kiện khác do Bộ Y tế qui định.
 
Tổ chức triển khai các qui định, hướng dẫn chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh (chuẩn hóa các hoạt động tại bệnh viện)
(1) Tổ chức triển khai thực hiện các qui định, hướng dẫn chuyên môn do Bộ Y tế và các hội đồng bệnh viện ban hành, bao gồm: hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, hướng dẫn qui trình kỹ thuật, hướng dẫn qui trình chăm sóc và các văn bản hướng dẫn chuyên môn khác.
(2) Xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm định chất lượng nhằm đánh giá việc thực hiện các qui định, hướng dẫn chuyên môn của bệnh viện; tiến hành phân tích có hệ thống chất lượng chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh, bao gồm các qui trình kỹ thuật lâm sàng, cận lâm sàng sử dụng trong chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh.
 
Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn người bệnh và nhân viên y tế
(1) Thiết lập chương trình và xây dựng các qui định cụ thể bảo đảm an toàn người bệnh và nhân viên y tế với các nội dung chủ yếu sau:
-Xác định chính xác người bệnh, tránh nhầm lẫn khi cung cấp dịch vụ.
-An toàn phẫu thuật, thủ thuật.
-An toàn trong sử dụng thuốc.
-Phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện.
-Phòng ngừa rủi ro, sai sót do trao đổi, truyền đạt thông tin sai lệch giữa nhân viên y tế.
-Phòng ngừa người bệnh bị té ngã.
-An toàn trong sử dụng trang thiết bị y tế.
(2) Bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho người bệnh, khách thăm và nhân viên y tế; tránh tai nạn, rủi ro, phơi nhiễm nghề nghiệp.
 3) Thiết lập hệ thống thu thập, báo cáo sai sót chuyên môn, sự cố y khoa tại các khoa lâm sàng và các sự cố khác trong toàn bệnh viện, bao gồm báo cáo bắt buộc và tự nguyện.
(4) Xây dựng qui trình đánh giá sai sót chuyên môn, sự cố y khoa để xác định nguyên nhân gốc, nguyên nhân có tính hệ thống và nguyên nhân chủ quan của nhân viên y tế; đánh giá các rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra.
(5) Xử lý sai sót chuyên môn, sự cố y khoa và có các hành động khắc phục đối với nguyên nhân gốc, nguyên nhân có tính hệ thống và nguyên nhân chủ quan để giảm thiểu sai sót, sự cố và phòng ngừa rủi ro.
 
Xây dựng chỉ số chất lượng, cơ sở dữ liệu và đo lường chất lượng bệnh viện
(1) Xây dựng bộ chỉ số chất lượng bệnh viện dựa trên hướng dẫn của Bộ Y tế và tham khảo các bộ chỉ số chất lượng bệnh viện trong nước hoặc nước ngoài.
(2) Thực hiện đo lường chỉ số chất lượng trong bệnh viện.
(3) Tổ chức thu thập, quản lý, lưu trữ, khai thác và sử dụng dữ liệu liên quan đến chất lượng bệnh viện.
(4) Lồng ghép báo cáo chất lượng vào báo cáo hoạt động chung của bệnh viện.
(5) Ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu, phân tích, xử lý thông tin liên quan đến quản trị chất lượng bệnh viện.
 
Áp dụng bộ tiêu chuẩn quản trị chất lượng bệnh viện
(1) Bệnh viện căn cứ vào các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn quản trị chất lượng do Bộ Y tế, hội đồng ban hành hoặc thừa nhận để lựa chọn bộ tiêu chí, tiêu chuẩn phù hợp và triển khai áp dụng tại bệnh viện.
(2) Qui trình triển khai áp dụng bộ tiêu chí, tiêu chuẩn quản trị chất lượng được thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan, hội đồng ban hành bộ tiêu chí, tiêu chuẩn đó hoặc tổ chức chứng nhận chất lượng.
(3) Sau khi bệnh viện được cấp giấy chứng nhận chất lượng, cần tiếp tục duy trì và cải tiến chất lượng.
 
Tài liệu tham khảo
1. Báo cáo chung tổng quan ngành y tế năm 2012 (2012). Bộ Y Tế Việt Nam.
2. Fundamentals of Health Care Improvement - A guide to Improving Your Patients Care (2012). Second Edition. Joint Commission Resources.
3. International Essential of Health Quality and Patient Safety by JCI (2010).
4. JCI Accreditations Standards for Hospital (2010). 4th Edition, by the Department of Publications Joint Commission Resources.
5. Kelly Diane L (2007). Applying Quality Management In Health Care – A System Approach. Copyright 2007 by the Foundation of the American College of Healthcare Executives. Printed in the United States of America.
6. Luật Khám bệnh, chữa bệnh (2009). Luật số 40/2009/QH12.
7. Ransom Elizabeth R, Joshi Maulik S, Nash David B and Ransom Scott B (2008). The Healthcare Quality Book, Second Edition. Copyright 2008 by the Foundation of the American College of Healthcare Executives. Printed in the United States of America.
8. Tài liệu đào tạo “Quản lý bệnh viện - chương trình căn bản” (2012). Bộ Y tế Việt Nam.
9. Tài liệu đào tạo “Tăng cường năng lực quản lý điều dưỡng (2012). Bộ Y tế Việt Nam.
10. Thông tư 19/2013/TT-BYT “Hướng dẫn thực hiện quản lý chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện” (2012). Bộ Y tế Việt Nam.
 
 
 
 
 
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team