linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

Khung huấn luyện kỹ năng mềm cho Y Tế

Bài viết này như một gợi ý để các bệnh viện có thể xây dựng một kế hoạch, lộ trình huấn luyện để phát triển con người trong tổ chức.
1. Vì sao cần bổ sung kỹ năng mềm (soft skills) cho mọi người trong bệnh viện.
 
Hệ thống giáo dục VN bị một vài thiên lệch:
- Đào tạo chủ yếu là tư duy logic (logical thinking) và đánh giá cao trí thông minh logic (logical intelligence). 
Tuy nhiên, hiện nay người ta phát hiện, con người có nhiều dạng thức tư duy khác nhau và nhiều thể loại trí thông minh khác nhau. Để thành công, con người cần hoàn thiện những loại tư duy mình còn thiếu. Tư duy logic chỉ đóng góp 20% sự thành công của con người trong cuộc sống.
 
- Năng về kiến thức, không có thời gian huấn luyện kỹ năng. Trong khi đó cuộc sống chúng ta đòi hỏi khả năng làm việc giữa con người với con người. Gần như khi chúng ta tốt nghiệp đại học, chúng ta hoàn toàn chưa được trang bị bất cứ kỹ năng mềm nào chuẩn bị cho việc "hiểu và làm việc với con người xung quanh".
 
Do đó, bất cứ tổ chức nào, cũng cần "lấp chổ trống" cho nền giáo dục quốc gia, nếu muốn có người giỏi để dùng.
Người có năng lực không "tự trên trời rơi xuống". Muốn có người giỏi để dùng, tổ chức phải có lộ trình "phát triển con người".
 
Vị trí công việc, đặc biệt là khi làm quản lý, thì khả năng làm việc với con người càng quan trọng. Vị trí quản lý càng cao thì năng lực làm việc với con người càng phải hoàn thiện.
 
Cái bất cập mà chúng ta thường gặp là đưa người có chuyên môn giỏi lên làm quản lý mà không chuẩn bị, không huấn luyện các kỹ năng để làm quản lý. Dẫn đến chúng ta phá hỏng luôn con người đó (làm quản lý không xong, làm chuyên môn cũng không xong) và phá hỏng luôn tổ chức.
Do đó, khung huấn luyện kỹ năng này như một hướng dẫn để chúng ta chuẩn bị cho các đối tượng tiềm năng trước khi đưa họ vào làm quản lý.
 
Trước đây, khi khoa học về con người chưa phát triển. Kỹ năng mềm được xem là “năng khiếu” trời cho. Nhưng dưới bầu trời của khoa học “tất cả đều có thể học và rèn luyện”.
 
80% thời gian chúng ta sinh sống và làm việc là tiếp xúc với con người (gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, đối tác, bệnh nhân…), do đó hiểu về con người và làm việc được với con người giúp cuộc sống chúng ta tốt hơn, khả năng thành công cao hơn, hạnh phúc hơn.
 
2. Interpersonal và Intrapersonal
 
Tôi không biết dịch hai từ này sao cho suông.
Intrapersonal: hiểu nôm na là những khả năng và kỹ năng mà tự chúng ta phải phát triển chính bên trong nội tại của chúng để chúng ta tự hoàn thiện mình. Chúng ta phải tự hiểu mình trước, tự hoàn thiện mình trước, từ đó mới tính đến chuyện tác động và làm việc với người khác.
 
Interpersonal: hiểu nôm na là những kỹ năng để chúng ta làm việc với người khác. Cách thức để chúng ta hiểu người khác, tác động đến họ, và gắn kết họ.
 
3. Các cấp độ quản lý trong bệnh viện
 
Cấp độ nhân viên: nhiệm vụ của những người này là thực thi, thừa hành công việc, hoàn thành công việc trong phạm vi mình được giao việc. Tham gia giải quyết những vấn đề đơn giản. Trong tâm của kỹ năng là làm sao hòa nhập và làm việc được với một tập thể.
 
Riêng những vị trí giao tiếp trực tiếp với người bệnh, cần phải được huấn luyện để quá trình giao tiếp được chuyên nghiệp, vì họ tác động đến bệnh nhân, họ là đại diện, là hình ảnh của tổ chức với người bên ngoài
 
Quản lý cấp trung: khi bắt đầu lên vị trí quản lý, nghĩa là chúng ta phải dẫn dắt một nhóm người. Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho nhóm người này gắn kết để làm việc, để giải quyết những vấn đề mà tổ chức giao, để hoàn thành nhiệm vụ. Mức độ kỹ năng phức tạp hơn, nhiều vấn đề về “con người” làm chúng ta bận tâm hơn. Và không giải quyết được, nghĩa là chúng ta thất bại.
 
Quản lý cấp cao: tham gia chuyên môn ít dần, công việc chủ yếu của quản lý cấp cao là liên quan đến “con người”. Hầu hết thời gian, tâm trí của một lãnh đạo là giải bài toán “con người”.
 
Để thành công ở vị trí quản lý cấp cao, năng lực về con người là yếu tố quyết định. Bản thân người lãnh đạo phải thay đổi, phải hoàn thiện mình trước, từ đó mới tác động làm thay đổi cấp dưới và thay đổi tổ chức.
 
 
>>> Lời kết
Khung huấn luyện này đưa ra những kỹ năng cần thiết nhất, có thể còn nhiều loại khác. Bất cứ một cá nhân nào muốn hoàn thiện bản thân mình đều có thể học được bất cứ cái gì trong đó.
 
Tuy nhiên, nguồn lực (chi phí, thời gian…) thường có hạn nên phải có thứ tự ưu tiên.
 
(Bài viết này không có ý PR cho việc đào tạo kỹ năng mềm của một tổ chức nào, đây hoàn toàn là những chia sẻ mang tính cá nhân, và góc nhìn của cá nhân).
 
Để phân tích cặn kẻ từng loại bên trong bảng này cần nhiều thời gian, và nếu quý vị quan tâm, từ từ tôi sẽ chia sẻ hết.
 
Trân trọng,

ThS. Huỳnh Bảo Tuân
Giảng viên Khoa Quản lý Công Nghiệp - ĐHBK TpHCM
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team