linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

Chuyển viện an toàn

Hôm qua đến giờ diễn đàn CLB Quản Lý Chất Lượng - An Toàn Người Bệnh mình nóng lên với vấn đề "Chuyển viện an toàn" Có nhiều vấn đề mình chưa thể cải tiến ngay được vì còn liên quan cơ chế - hành lang pháp lý vv..!!

 Nhưng có một vấn đề đang diễn ra hàng ngày ở mọi bệnh viện, cũng liên quan đến chuyển viện an toàn mà Anh Em chúng ta có thể chia sẻ cho nhau cách xử lý ngay được - giúp nhau làm tốt hơn: Đó là sau khi vào khoa cấp cứu - bệnh nhân/người nhà yêu cầu Bệnh viện chuyển ngay lên tuyến trên. Ngay cả khi bệnh viện tuyến đươi có thể xử lý được, họ đòi chuyển mà phải có giấy tờ để họ hưởng bảo hiểm y tế.

 
Nhiều Anh Em đồng nghiệp chưa có kinh nghiệm giải thích - xử lý các tình huống này đã dẫn đến những sự cố ngoài ý muốn: ko hài lòng, gọi đường dây nóng, hành hung nhân viên y tế, thậm chí bệnh nhân không an toàn khi tự đi..vv..!! Đây là cải tiến mảng Hướng dẫn giáo dục người bệnh đó ạ. Tập huấn “Thay đổi phong cách thái độ phục vụ - giao tiếp ứng xử” nên lồng ghép - nhắc và hỗ trợ Anh Em cách xử lý tình huống này..!!
 

Huỳnh Hồng Loan:
- Ở bệnh viện bên này có luật EMTALA (Emergency Medical Treatment and Labor Act) qui định là khi b/nhân vào phòng cấp cứu, bệnh viện phải có trách nhiệm cứu chữa bệnh nhân không phân biệt tình trạng công dân hay di dân, không cần biết có bảo hiểm y tế hay không, phải điều trị ổn định sinh hiệu rồi mới được cho về hay chuyển viện. Việc chuyển viện do quá khả năng chuyên môn cũng được giải thích rõ ràng để bệnh nhân chấp thuận qua bệnh viện khác. Việc vận chuyển bệnh nhân bằng xe cấp cứu hay xe nhà là tuỳ loại bệnh. Khi mua bảo hiểm y tế, người bệnh cũng đã được biết bệnh viện in network hay out of network. Có những bệnh nhân đi chơi xuyên bang và bị bệnh ở một bang khác đều được cấp cứu, hoá đơn sẽ được gửi về nhà sau đó, lúc đó mình mới biết sẽ bị chi bao nhiêu tiền. Mọi thắc mắc liên quan đến bảo hiểm y tế là do bệnh nhân deal với bảo hiểm y tế, bệnh viện không chịu trách nhiệm, nếu có khó khăn gì thì sẽ có nhân viên xã hội hướng dẫn và trợ giúp. Nếu bác sỹ yêu cầu nhập viện mà bệnh nhân không muốn, bệnh nhân sẽ được yêu cầu ký giấy Ra về chống lại y lệnh và sẽ được cho về. Về luật mà nói Patient Rights cho phép bệnh nhân có quyền không làm theo y lệnh!. Có một bộ phận chăm sóc khách hàng đến để làm quen với bệnh nhân để nghe bệnh nhân xếp hạng dịch vụ chăm sóc của bệnh viện và Thoòng báo cho bệnh nhân quyền được từ chối điều trị!
 
- Ở bệnh viện có một chức danh là case manager, cô này thường là RN (Registered nurse), ở mỗi khoa nội trú và cấp cứu có từ một đến hai cô làm nhiệm vụ này. Cô là người lên kế hoạch xuất viện, thường sẽ đến chào bệnh nhân khi vừa mới được vào giường lưu cấp cứu hay khoa điều trị nội trú. Cô sẽ kiểm tra lại thông tin cá nhân và đánh giá mức độ hoạt động của bệnh nhân trước nhập viện xem có sử dụng gậy chống, walker hay xe lăn để khi thực sự xuất viện nếu bệnh nhân cần các dụng cụ này cô sẽ order giao tận nhà cho bệnh nhân. Nhân viên xã hội là người tìm kiếm thêm các trợ giúp khác như xin các benefits như Food stamps hay các tổ chức từ thiện khác.
 
Dinh - Nguyen Van: 
- Chia sẻ của tôi không nhiều, nhưng nó giải quyết tận gốc rễ của vấn đề, một điều mà nền y tế của VN chưa sẵn sàng. Đó là xóa bỏ “mô hình tuyến” cũ kỷ từ thời chiến tranh sang “mô hình vùng” mà Mỹ và Canada đang áp dụng hiện nay. Vì sự chuyển bệnh đi từ tuyến dưới lên tuyến trên (hàng dọc), cơ sở vật chất và tài năng của tuyến dưới thường thấp hơn hay được xem là thấp hơn tuyến trên. Mà người bệnh lúc nào cũng muốn có sự chăm sóc tốt nhất, do đó sự không hài lòng tiềm ẩn đã bắt đầu ngay khi bước chân vào viện, và đòi hỏi “vượt tuyến” là điều dễ hiểu. Do đó nhân viên y tế cảm thấy mình “gia ân” cho BN hay “quẳng đi gánh nặng” cho tuyến trên, còn tâm lý BS tuyến trên lúc nào cũng thấy mình “hơn” tuyến dưới cả. Từ đó phát sinh ra xích mích hiềm thù cá nhân ngụy trang bằng các bất đồng quan điểm. 
 
Trong mô hình vùng, sự chuyển bệnh không theo hàng dọc mà theo hàng ngang (nơi chữa bệnh hợp lý nhất), người bệnh không có cảm giác bị xử thiệt, nhân viên y tế thấy mình bình đẳng với nhau. Sẽ tránh tình trạng BN đòi hỏi chuyển tuyến (vì có tuyến đâu mà đòi!), và bảo hiểm y tế sẽ căn cứ vào bản chất của dịch vụ, chứ không phân biệt đối xử, phân hạng cao thấp theo nơi điều trị.
 
- Giải thích cho BN và người nhà tại sao phải chuyển, tại sao không chuyển là vấn đề khó. Vì nó lệ thuộc vào quyết định chuyên môn, mà ta không bao giờ chắc là quyết định ấy đúng cả, nhất là người tuyến dưới, được xem là "trình độ" thấp hơn người tuyến trên.Chúng ta không áp dụng mô hình người tuyến dưới (front line) giỏi hơn người tuyến trên.Trong các trường ĐH, giáo sư dạy SV năm thứ nhất bao giờ cũng "sừng sỏ" cao cấp nhất, qua đến năm 2, 3 mới cho các GS xoàng xoàng dạy.
 
Giang Phạm:
Vấn đề xảy ra là vì có tuyến trên - tuyến dưới. Hai tuyến này về lý thuyết thì có mối liên hệ với nhau ( bệnh viện tuyến trên có phòng chỉ đạo tuyến), nhưng thực tế thì hầu như không có quan hệ, rất quan liêu. Tuyến trên ôm mọi chuyện của tuyến dưới rồi la làng quá tải. Bệnh nhân cứ đòi leo tót lên tuyến trên dù là cảm cúm táo bón, thì không là chuyện lạ. Tuyến trên giỏi hơn tuyến dưới mà.
 
Sự phân tuyến y tế là bất cập về mặt quản lý xã hội, phản khoa học về mặt chuyên môn, gây ra đủ thứ phiền toái trong thực hành và cái rốt ráo là chất lượng và an toàn bệnh nhân không đảm bảo. Người bệnh thiệt, nhân viên y tế khổ, ngành y tế hoạt động tốn kém mà không hiệu quả. Nhưng không dẹp được cái chuyện phân tuyến này đâu, vậy phải làm sao đây?
 
Làm sao để bệnh nhân tin tưởng cơ sở y tế địa phương mình - cơ sở y tế tuyến dưới , từ đó họ yên tâm ở lại điều trị và sẵn sàng chuyển tuyến theo yêu cầu của bác sĩ?
 
Kinh nghiệm phòng khám của bà xã mình hồi đó, chỉ là phòng khám khu vực chứ chưa là bệnh viện quận. Tại sao phòng khám nhỏ vậy mà bệnh nhân trong địa bàn luôn tin tưởng? Có chuyện về sức khoẻ là người dân đến đó trước. Tại sao có cán bộ cấp cao sẵn sàng để phòng khám theo dõi sức khoẻ cho mình chứ không cần vào bệnh viện Thống nhất? Tại sao phòng khám nhỏ như vậy mà thu hút cả bệnh nhân ngoài tỉnh?. Phòng khám nhỏ mà không hết việc, thu nhập cho nhân viên cao hơn nhân viên. trong bệnh viện lớn. Tôi thấy phòng khám làm được như thế vì: 
 
1/ Bác sĩ, điều dưỡng vững vàng, có uy tín tay nghề: Bà xã tôi đi học chuyên khoa cấp 1 về nhi, vững tiếng Anh và tiếng Pháp, tu nghiệp bên Pháp. Những bệnh thông thường và những bệnh mãn tính thì người bệnh thấy rõ đến phòng khám tốt hơn, rẻ hơn, đỡ mất thời gian hơn lên bệnh viện tuyến trên. Không để xảy ra tai biến hay sự cố đáng tiếc nào.
 
2/ Dịch vụ của phòng khám thuận lợi , tốt hơn các phòng cấp cứu hay phòng khám của bệnh viện lớn: Không bị chen chúc, chờ dài cổ như vào bệnh viện lớn. chăm sóc kỹ hơn ở tuyến trên quá tải. Triển khai điều trị tại phòng khám và chăm sóc tại nhà. Gần dân, xâm nhập vào xã hội thì người ta mới dần biết và ngày càng tin tưởng cơ sở mình.
 
3/ Tuyến dưới phải chủ động liên hệ chặt trẽ với tuyến trên: Phòng khám bà xã tôi liên hệ mật thiết với bệnh viện Nhân dân Gia định, với bệnh viện quận, đội xe chuyển cấp cứu của bệnh viện quận. Khi bệnh nhân cần cấp cứu là gọi xe bệnh viện quận tới chuyển thẳng vào khoa cấp cứu BV NDGĐ với hồ sơ bệnh án đầy đủ tạo thuận lợi cho tuyến trên. Chuyển cấp cứu là chuyển đúng và kịp thời thì dân truyền tai nhau cứ đến đó điều trị, thường điều trị chất lượng, khi bất quá thì sẵn có xe cứu thương, lại được bàn giao cẩn thận trong bệnh viện - người ta thấy đến phòng khám là được nhiều tiện và lợi. Về chuyên môn, bác sĩ phòng khám liên hệ mật thiết với cả bệnh viện đại học y dược. Nhiều khi mời bác sĩ bệnh viện lớn về tận phòng khám hội chẩn và cho ý kiến, giúp bệnh nhân không phải lên tuyến trên mà vẫn được tuyến trên khám.(tiền hội chẩn phòng khám chịu - coi như tiền quảng cáo)
 
4/ Phòng khám đã đầu tư một chuyên khoa kỹ thuật cao , tham gia chương trình y tế của quốc gia và quốc tế (quản lý hen suyễn và các bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính). Từ đó có điều kiện đi dự hội nghị quốc tế. Làm uy tín cơ sở càng cao.
 
5/ Hoạt động tạo niềm tin, quảng bá chất lượng cơ sở tuyến dưới: Bà xã tôi lên đài truyền hình thành phố nói chuyện về chuyên môn, ra tỉnh khác cùng đồng nghiệp nói chuyện chuyên để trên đài truyền hình tỉnh.
Mời chuyên gia liên hiệp quốc ( mắt xanh mũi lõ) xuống tham quan và làm việc tại bệnh viện quận cùng phòng khám khu vực 
Nhân dân thấy thế ai mà không tin?
 
6/ Có bác sĩ đồng nghiệp cùng ê kíp bà xã tôi, với lề lối làm việc như vậy, nay dù chỉ phụ trách phòng khám phường mà không làm hết việc đấy, không cần phải đi đâu cả.
 
Tóm lại,từ kinh nghiệm thực tế tôi thấy rằng để bệnh nhân không đòi hay ra lệnh cho tuyến dưới chuyển họ lên tuyến trên thì điều cốt tử là tạo uy tín cho tuyến dưới.
 
- Bác sĩ và điều dưỡng phải chịu khó dành thời gian học tập nâng cao tay nghề và nâng cao bằng cấp. Nhất là khi còn trẻ, đừng sốt ruột kiếm tiền, mất thời gian làm ăn không còn thời gian học.
- Cải thiện dịch vụ y tế: Chất lượng, tiện lợi, rẻ. 
- Chịu khó quan hệ rộng: Với tuyến trên, với chính quyền địa phương, với truyền thông. Các bạn ở tuyến tỉnh, huyện nên có chương trình y tế trên đài truyền hình, trên đài FM giúp mình hoặc cơ sở mình có dịp ló cái mặt ra cho cộng đồng quen mặt. 
- Phòng cấp cứu tuyến dưới nên có phòng giao lưu trực tuyến với tuyến trên qua màn hình, khi gặp bệnh nhân khó tính qúa, cho họ xem tư vấn trực tuyến với tuyến trên, để họ được nghe lời của nơi họ tin tưởng.
- Tuyến trên tạo điều kiện hỗ trợ uy tín cho tuyến dưới.
 
Ths. Bs. Phan Thị Ngọc Linh
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team